Bệnh Lý » Bệnh » Bệnh về sức khỏe sinh sản » Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng-điều trị

Thai ngoài tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng (dấu hiệu nhận biết-biểu hiện), xét nghiệm-chẩn đoán và biện pháp phác đồ điều trị khi bị Thai ngoài tử cung. Phân loại Bệnh Thai ngoài tử cung có mấy loại? Ngoài ra, các thông tin khác bổ sung về Bệnh Thai ngoài tử cung bao gồm: Cách phòng ngừa, các giai đoạn Bệnh Thai ngoài tử cung, những biến chứng thường gặp và đối tượng nguy cơ mắc Bệnh Thai ngoài tử cung. Và những điều cần biết khác về Thai ngoài tử cung. Tìm hiểu xem Bệnh Thai ngoài tử cung có nguy hiểm không? Thai ngoài tử cung có lây không? Thai ngoài tử cung có di truyền không?

Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, xét nghiệm và chẩn đoán. Biện pháp điều trị Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là bệnh gì?

Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ ở buồng tử cung. Thai có thể làm tổ ở nhiều vị trí khác nhau như ống cổ tử cung, buồng trứng, vòi tử cung,  hoặc các vị trí trong ổ bụng, ngoài ổ phúc mạc.

  • Thể thai ngoài tử cung chưa vỡ: toàn trạng bệnh nhân bình thường, không mất máu. Có thể nắn thấy khối khu trú rõ cạnh tử cung, đau, các túi cùng thông thường không đầy, không đau. Siêu âm không thấy có máu trong ổ bụng.

  • Thể lụt máu ổ bụng: bệnh nhân đau và choáng nặng do chảy máu xuất hiện đột ngột. Bụng chướng, ấn đau khắp bụng. Siêu âm thấy dịch nhiều ở trong ổ bụng và cùng đồ.

  • Thể giả sảy: khi có biến đổi về nội tiết, toàn bộ nội mạc tử cung bị bong ra và bị tống ra ngoài, dễ nhầm lẫn với sảy thai nên bỏ sót thai ngoài tử cung. Xét nghiệm giải phẫu tổ chức được nạo thấy hình ảnh màng rụng, hình ảnh Arias Stella, không nhìn thấy lông rau.

  • Thể huyết tụ thành nang: do máu chảy từng ít một, đọng lại. Sau đó các tạng,  ruột và mạc nối phản ứng, bọc lại thành khối huyết tụ. Chẩn đoán thường gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng không điển hình. Bệnh nhân có tình trạng thiếu máu. Chọc dò hút ra máu màu đen có lẫn cặn.

  • Thai ở buồng trứng: thường chỉ được chẩn đoán sau khi đã mở bụng hoặc nội soi, chẩn đoán khi quan sát thấy túi thai nằm ở buồng trứng. Theo tiêu chuẩn của Spiegelberg, đặc điểm của thai buồng trứng gồm: túi ối nằm trên vùng buồng trứng, khối thai liên tục với tử cung bởi dây chằng tử cung - buồng trứng

  • Thai trong ổ bụng: thai nằm hoàn toàn bên ngoài tử cung, thường phát triển khá lớn, có thể sờ nắn thấy thai ở ngay phía dưới da bụng. Thai có thể ở bất kỳ vị trí nào bên trong ổ bụng, thường gặp ở vùng hạ vị, cũng có thể gặp ở vùng gan, lách, thậm chí ở phía sau phúc mạc

  • Thai ống cổ tử cung: hiếm gặp, thai làm tổ ở phía dưới lỗ trong của cổ tử cung. Triệu chứng không đặc hiệu, nghèo nàn, khám thấy cổ tử cung phình ra bất thường. Hậu quả gây sảy thai hoặc thai chết lưu, rau cài răng lược, khi rau bong dở làm chảy máu khó cầm. Nạo không cầm được máu, thường phải cắt tử cung để cầm máu.

  • Thai sẹo mổ tử cung.

  • Phối hợp thai trong tử cung và ngoài tử cung: rất hiếm gặp, dễ bị bỏ sót. Hay gặp trong các trường hợp thụ tinh ống nghiệm.

Thai ngoài tử cung là bệnh gì?

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Thai ngoài tử cung là gì?

  • Chậm kinh: có thể không rõ ở nhiều bệnh nhân.

  • Ra máu âm đạo: máu sẫm màu, ra từng ít một, liên tục dai dẳng.

  • Đau bụng: do máu trong ổ bụng kích thích phúc mạc hoặc do vòi tử cung căng giãn và nứt vỡ. Đôi khi kèm theo mót rặn nếu trực tràng bị kích thích.

  • Bệnh nhân có thể choáng, ngất do đau hoặc vỡ khối thai, có thể có dấu hiệu thiếu máu mạn tính. Trong thể huyết tụ thành nang, bệnh nhân có da hơi ánh vàng nhạt.

Thai ngoài tử cung Triệu chứng

Bệnh nhân có thể choáng

  • Khám bụng có phản ứng thành bụng trong trường hợp có máu trong ổ bụng.

  • Khám mỏ vịt: khó phát hiện dấu hiệu có thai như cổ tử cung tím, nhưng âm đạo có máu chảy từ lỗ cổ tử cung ra, máu sẫm màu như bã cà phê, số lượng ít.

  • Thăm âm đạo: kích thước tử cung to hơn bình thường, không tương xứng tuổi thai. Sờ nắn thấy có khối mềm, ranh giới không rõ cạnh tử cung, đau khi di động tử cung. Túi cùng sau đầy, khi có chảy máu trong thì bệnh nhân rất đau.

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Thai ngoài tử cung bằng cách nào?

  • Chẩn đoán có thai: xét nghiệm HCG trong nước tiểu cho kết quả dương tính hoặc định lượng βHCG trong máu lớn hơn 5UI/ml. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nồng độ βHCG tăng lên gấp đôi sau 48 giờ. Trong thai ngoài tử cung, nồng độ βHCG tăng chậm, cần kết hợp với siêu âm.

  • Siêu âm: không quan sát thấy hình ảnh túi ối trong buồng tử cung, tìm khối thai ở cạnh và xung quanh tử cung, túi cùng Douglas có thể có dịch. Hình ảnh túi ối giả trong buồng tử cung được tạo thành do màng rụng và máu đọng lại. 

Một số thăm dò khác:

  • Nạo buồng tử cung để tìm phản ứng Arias-Stella (phản ứng của biểu mô nội mạc tử cung đối với β-hCG). Chỉ làm phản ứng này ở những bệnh nhân nghi ngờ thai ngoài tử cung mà không muốn giữ thai. Có thể kết hợp kiểm tra nồng độ βhCG trong máu trước và sau khi nạo, hoặc soi tìm lông rau.

  • Chọc dò thấy có máu không đông ở túi cùng sau âm đạo.

  • Soi ổ bụng: giúp chẩn đoán sớm thai ngoài tử cung và điều trị.

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Thai ngoài tử cung bằng cách nào?

Biện pháp trị Thai ngoài tử cung và phác đồ điều trị Bệnh Thai ngoài tử cung là gì?

1. Nguyên tắc điều trị

Thai ngoài tử cung là cấp cứu sản khoa, cần được chẩn đoán và điều trị sớm.Có thể điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa tuỳ thuộc vào biểu hiện lâm sàng và thể bệnh của thai ngoài tử cung.

2. Điều trị cụ thể

2.1. Phẫu thuật

  • Chỉ định phẫu thuật với các bệnh nhân có dấu hiệu shock do dọa vỡ, vỡ, tuần hoàn không ổn định. Bệnh nhân có các bệnh nội khoa kết hợp như suy giảm miễn dịch, suy thận, βhCG > 5000 mIU/ml, siêu âm thấy nhiều dịch ổ bụng. Bệnh nhân không chấp nhận điều trị Methotrexate hoặc dị ứng với Methotrexate.

Thai ngoài tử cung Cách điều trị

Phẫu thuật cho sản phụ thai ngoài tử cung

  • Thể lụt máu trong ổ bụng: chỉ định mổ cấp cứu cắt khối thai để cầm máu, đồng thời bồi phụ thể tích tuần hoàn, hồi sức tích cực cho bệnh nhân.

  • Thể thai vỡ: rạch dọc bờ tự do vòi tử cung để lấy khối thai nếu khối thai nhỏ ở đoạn loa, bóng, sau mổ phải theo dõi nồng độ βhCG. Nếu nồng độ βHCG không giảm hoặc tăng lên thì phải điều trị bằng tiêm Methotrexate. Thường cắt bỏ khối thai cho bệnh nhân vì tỷ lệ có thai lại thấp và nguy cơ thai ngoài tử cung cao.

  • Thể huyết tụ thành nang: chỉ định mổ bán cấp cứu để tránh nhiễm khuẩn và tránh vỡ thứ phát. Lấy hết máu tụ và khối thai, cầm máu, lau rửa sạch khoang có thai máu. Lưu ý khi mổ không làm tổn thương bàng quang và ruột khi tách dính.

  • Thể thai trong ổ bụng: nên mổ khi tuổi thai nhỏ hơn 32 tuần, khi thai trên 32 tuần tuổi nếu sống có thể theo dõi thêm. Khi mổ lấy thai sẽ gặp khó khăn trong xử lý bánh rau, đôi khi bánh rau bong gây chảy máu khó cầm. Hoặc nếu bánh rau bám rộng và chặt vào các tổ chức trong ổ bụng thì phải tiến hành chèn gạc thật chặt, sau đó rút dần trong những ngày sau.

  • Thể thai ở ống cổ: thông thường phải cắt tử cung để cầm máu cho bệnh nhân.

2.2. Nội khoa

Điều kiện: khối thai có kích thước nhỏ hơn 3,5 cm, không tim thai, nồng độ βhCG < 5000 mIU/ml, huyết động học ổn định.

  • Theo dõi đối với các bệnh nhân thai ngoài tử cung thoái triển tự nhiên: chiếm khoảng 3% với khối thai bé  nồng độ βhCG thấp.

  • Dùng Methotrexate đơn liều hoặc đa liều: dùng Methotrexate tiêm bắp, nồng độ phụ thuộc vào diện tích da của bệnh nhân, thường dùng liều đơn 50mg. Cần theo dõi chức năng gan, thận và công thức máu cho bệnh nhân. Theo dõi nồng độ βHCG trong máu giảm tối thiểu 15% từ ngày thứ 4 đến thứ 7 sau khi khi tiêm. Nếu nồng độ βhCG không thay đổi hoặc giảm ít thì có thể tiêm mũi thứ 2 hoặc phẫu thuật. Khi nồng độ βHCG thấp hơn 10 mIU/ml, ngừng theo dõi. Đôi khi bệnh nhân có thể thấy đau bụng trở lại, thậm chí có thể sờ thấy khối cạnh tử cung to lên. Nhưng nồng độ βhCG trở về bình thường thì vẫn được coi là điều trị thành công. Sau điều trị 6 tháng, bệnh nhân mới được có thai trở lại.

Thai ngoài tử cung Cách điều trị

Theo dõi nồng độ HCG cho bệnh nhân

  • Điều trị tại chỗ: tiêm các chất phá hủy phôi vào phôi khi đã chẩn đoán xác định thai ngoài tử cung và tiến hành tiêm dưới hướng dẫn bằng siêu âm đường âm đạo.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.

Cập nhật: 11/03/2024 08:40