Biện pháp trị Đa ối và phác đồ điều trị Bệnh Đa ối là gì?
1. Đa ối cấp
Chọc ối giúp giảm những triệu chứng về hô hấp cho mẹ. Đây là biện pháp chỉ có tính chất tạm thời. Nếu thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể hoặc các dị dạng cấu trúc, cần tư vấn về tiên lượng và một số giải pháp để lựa chọn, bao gồm cả chấm dứt thai nghén.
2. Đa ối mạn
Trong trường hợp bệnh nhẹ thì không cần can thiệp mà chỉ chờ đợi cho thai đủ tháng nếu không có các chỉ định sản khoa khác. Nếu bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, khó thở hoặc đi lại khó khăn thì cho bệnh nhân nhập viện.
-
Điều trị nội khoa: gần đây Indomethacin được sử dụng để điều trị đa ối. Tuy nhiên, nếu sử dụng kéo dài trên 48 -72 giờ hoặc sử dụng sau khi thai được 32 tuần, Indomethacin gây tình trạng đóng sớm ống động mạch. Đã có một số biển chứng khác của thai nhi và trẻ sơ sinh được biết có liên quan đến sử dụng Indomethacin. Bao gồm: tăng huyết áp mạch phổi, thiểu năng thận ở trẻ sơ sinh, tăng tỷ lệ viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh. Vì các lý do trên, Indomethacin thường ít được chỉ định trong điều trị đa ối và phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng.
-
Gây chuyển dạ: khi thai 35-39 tuần hoặc thai phụ khó thở, đi lại khó khăn.
-
Bấm ối khi sinh: Bấm ối chủ động làm tử cung giảm căng và giúp chuyển dạ tiến triển thuận lợi. Do có một lượng dịch lớn trong tử cung, nên khi lượng dịch này bị rút đột ngột sẽ làm giảm áp lực nhanh và diện tiếp xúc giữa buồng tử cung và rau thai. Điều này có thể dẫn tới rau bong non hoặc sa dây rốn. Vì vậy, cần phải thực hiện bấm ối thận trọng, để dịch ối chảy ra từ từ. Phải chuẩn bị sẵn sàng cuộc mổ lấy thai để đề phòng tai biến xảy ra khi thực hiện bấm ổi.
-
Trong chuyển dạ, cơn co tử cung thường yếu do tử cung bị cứng quá mức. Vì vậy có thể bấm ối sớm để giảm áp lực của buồng ối giúp cho bệnh nhân chuyển dạ nhanh hơn.
-
Khi tia ối cần chú ý cố định ngôi thai để phòng ngừa sa dây rốn. Nếu cần, có thể truyền oxytocin để hỗ trợ cơn co tử cung.
-
Tử cung quá căng dẫn tới nguy cơ chảy máu sau sinh do đờ tử cung. Vì vậy phải chỉ định thuốc co bóp tử cung ngay sau sinh.
3. Những lưu ý khác
-
Khám thai định kỳ. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như khó chịu, khó thở, bụng lớn đột ngột,... phải lập tức đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Sản phụ nên khám thai định kỳ
-
Lưu ý chế độ dinh dưỡng phù hợp trong quá trình mang thai.
-
Không nên quá lo lắng: đa ối không phải là dấu hiệu của điều gì đó nghiêm trọng.
-
Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn nhiều hơn cho bản thân, cân nhắc việc bắt đầu nghỉ thai sản sớm để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.