Băng huyết sau sinh là bệnh gì?
Băng huyết sau sinh hay chảy máu sau sinh là tình trạng lượng máu mất đi trong 24 giờ đầu tiên sau khi sinh lớn hơn 500ml sau sinh thường hoặc 1000ml sau sinh mổ. Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ bị băng huyết sau sinh là từ 3 - 8% và đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở phụ nữ mang thai.
Nguyên nhân nào gây Bệnh Băng huyết sau sinh?
1. Đờ tử cung
Đây là nguyên nhân thường gặp gây băng huyết sau sinh. Các nguyên nhân gây đờ tử cung ở sản phụ bao gồm:
-
Do chất lượng tử cung kém: tử cung của người bị u xơ tử cung, tử cung của sản phụ sinh nhiều lần hay tử cung bị dị dạng
-
Tử cung quá căng: do thai lớn và nước ối quá nhiều hoặc ở sản phụ sinh đôi, sinh ba.
-
Sản phụ chuyển dạ lâu, bị nhiễm trùng ối, hay thai phụ bị suy nhược và thiếu máu.
-
Sản phụ mang thai khi lớn tuổi (lớn hơn 35 tuổi), bị rối loạn đông máu, có tiền sử băng huyết sau sinh, mắc u xơ tử cung.
2. Bất thường của bánh nhau
Những trường hợp phụ nữ mang thai có nhau bám thấp, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược thường sẽ có nguy cơ chảy máu nhiều sau sinh. Ngoài ra, bánh nhau có diện tích lớn, khi bong gây chảy máu nhiều cũng có thể dẫn đến băng huyết sau sinh.
3. Tổn thương đường sinh dục
Âm đạo, tử cung bị rách hoặc vỡ cũng có thể gây băng huyết sau sinh. Đây là biến chứng của khó đẻ và cần có sự can thiệp của thủ thuật . Một số trường hợp khác như đẻ quá nhanh cũng có thể làm đường sinh dục bị tổn thương gây chảy máu.
4. Rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu thường gặp trong một số trường hợp như: nhau bong non, nhiễm trùng, thai lưu,… Tùy thuộc mức độ mất máu của sản phụ và sự phục hồi sức khỏe, băng huyết sau sinh có thể gây ra các biến chứng với mức độ nặng hay nhẹ khác nhau.
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Băng huyết sau sinh là gì?
-
Ra máu nhiều và bất thường trong 24 giờ đầu sau khi sinh.
-
Máu rỉ ra liên tục, có màu đỏ tươi.
-
Chân tay lạnh, huyết áp tụt, niêm mạc nhợt, da xanh xao.
-
Nhịp tim không đều hoặc nhanh bất thường.
-
Tử cung mềm nhão, sự co hồi không tốt.
Biện pháp trị Băng huyết sau sinh và phác đồ điều trị Bệnh Băng huyết sau sinh là gì?
1. Xử trí ban đầu
Hồi sức tích cực cho sản phụ, co hồi tử cung và tìm nguyên nhân gây băng huyết.
-
Huy động mọi người để cấp cứu cho sản phụ.
-
Lập ít nhất 2 đường truyền tĩnh mạch, cho dịch chảy với tốc độ nhanh
-
Đánh giá tình trạng chung và tình trạng mất máu của sản phụ (mạch, huyết áp, nhịp thở,...)
-
Nếu nghi ngờ sản phụ bắt đầu có choáng hoặc có choáng phải xử trí theo phác đồ xử trí choáng ngay.
-
Thông tiểu.
-
Xoa đáy tử cung, cho sản phụ sử dụng các thuốc giúp co hồi tử cung. Oxytocin 5UI x 4 ống pha trong 500ml dịch đẳng trương (liều tối đa 80UI). Methyl-ergometrin 0,2mg 1 ống tiêm bắp, tối đa 5 liều (không sử dụng khi huyết áp cao). Carbetocin (Duratocin 100mcg) 1 ống pha loãng 10ml, dùng 1 liều duy nhất tiêm mạch chậm (khuyến cáo sử dụng dự phòng cho các trường hợp có nguy cơ cao băng huyết sau sinh). Misoprostol (cytotec) 200mcg: đặt hậu môn 1 lần duy nhất 800mcg.
Tìm nguyên nhân gây băng huyết: thực hiện các biện pháp cầm máu cơ học khác và kiểm tra đường sinh dục của sản phụ. Làm các xét nghiệm cơ bản như nhóm máu, huyết đồ, đông máu cho sản phụ.
2. Xử trí theo nguyên nhân
2.1. Đờ tử cung
-
Ngoài phần xử trí chung cần thêm: thắt động mạch tử cung, thắt động mạch hạ vị, phẫu thuật may mũi B-Lynch, chèn bóng buồng tử cung hoặc cắt tử cung.
-
Kết hợp với hồi sức và truyền máu.
2.2. Chấn thương đường sinh dục
-
Bao gồm: rách âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, tầng sinh môn, vỡ tử cung, máu tụ đường sinh dục.
-
Ngoài phần xử trí chung cần khâu để phục hồi đường sinh dục của sản phụ. Nếu bị tụ máu, cần phải phá khối máu tụ và khâu kỹ để cầm máu, tránh tái phát, nên thực hiện ở phòng mổ.
-
Đối với vỡ tử cung: khâu bảo tồn tử cung hoặc cắt tử cung.
2.3. Bất thường về bong và sổ nhau
-
Bao gồm: nhau không bong do cài răng lược hoặc bám chặt, sót nhau, sót màng.
-
Sót nhau, sót màng: sử dụng dung dịch đẳng trương truyền tĩnh mạch, cho sản phụ sử dụng thuốc giảm đau và thực hiện kiểm soát tử cung. Sử dụng kháng sinh toàn thân, truyền máu nếu thiếu máu cấp.
-
Nhau không bong: sử dụng thuốc giảm đau như trên, thực hiện bóc nhau và kiểm soát tử cung. Sử dụng kháng sinh toàn thân. Nếu nhau cài răng lược, cần thực hiện phẫu thuật để cắt tử cung.
2.4. Rối loạn đông máu
-
Nguyên nhân có thể do sản phụ có các bệnh lý về máu, nhưng thông thường là do sản phụ chảy máu nhiều, mất sinh sợi huyết.
-
Điều trị chủ yếu: truyền máu tươi cho sản phụ.
Biện pháp phòng ngừa Bệnh Băng huyết sau sinh như thế nào?
-
Khám thai định kỳ để phát hiện kịp thời các bất thường và xử trí đúng cách.
-
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý khi mang thai, bổ sung sắt, uống thêm sắt nếu được chỉ định.
-
Sản phụ cần được chăm sóc cẩn thận, nghỉ ngơi, tránh stress, tức giận, giữ tâm trạng ổn định, ăn uống điều độ hợp lý,… trong giai đoạn hậu sản.
-
Giữ vùng kín sạch sẽ, phòng tránh nhiễm trùng.
-
Nếu thấy sản dịch vẫn còn, tuyệt đối kiêng quan hệ vợ chồng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.