
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh gì?
Phì đại tuyến tiền liệt là một trong những bệnh lý hay gặp nhất ở nam giới trung niên và tỉ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi. Ở Việt Nam, hơn 60% nam giới trên 60 tuổi mắc bệnh này. Đây là một bệnh tiến triển chậm, lành tính nhưng.ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Phì đại tuyến tiền liệt?
Nguyên nhân chính xác gây ra phì đại tuyến tiền liệt chưa được biết rõ. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa phì đại tuyến tiền liệt với tuổi và những yếu tố nội tiết liên quan đến tuổi.
Phì đại tuyến tiền liệt bắt đầu từ tuổi 40 trở đi. Đến tuổi 80, có tới 80% nam giới mắc bệnh. Khi tuổi cao, có sự thay đổi về nội tiết: testosteron tự do và toàn phần giảm, estrogen tăng. Estrogen gián tiếp làm tăng tính nhạy cảm của dihydrotestosteron (DHT) gây phì đại tuyến tiền liệt.

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Phì đại tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt to ra sẽ chiếm chỗ của bàng quang và gây chèn ép phần trên của đường niệu đạo. Do vậy, triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt được đặc trưng bởi hai triệu chứng: triệu chứng tắc nghẽn và triệu chứng kích thích.
-
Triệu chứng tắc nghẽn: biểu hiện bằng tiểu nhỏ giọt, khó tiểu, bí tiểu, tiểu ngập ngừng, gián đoạn, tia nhỏ và yếu, có cảm giác tiểu không hết.
-
Triệu chứng kích thích: biểu hiện bằng tiểu đêm, không nhịn tiểu được, tiểu không kiểm soát.
Tiểu đêm là một trong những triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt
Các triệu chứng trên được đánh giá theo bảng điểm quốc tế IPSS (International Prostate Symptom Score) để đánh giá và theo dõi rối loạn tiểu tiện ở bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt.
Ở giai đoạn đầu, bệnh có biểu hiện không nghiêm trọng và chưa ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Càng về sau, kích thước tuyến tiền liệt ngày càng tăng, triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Phì đại tuyến tiền liệt bằng cách nào?
Nam giới trên 40 tuổi khi có những biểu hiện bất thường về tiểu tiện cần đến khám chuyên khoa tiết niệu. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp điều trị đơn giản, hiệu quả cao và tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh việc dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, phì đại tuyến tiền liệt thường được chẩn đoán bằng các phương pháp sau:
1. Thăm trực tràng
Đây là phương pháp chẩn đoán đơn giản nhất, nhanh nhất và ít tốn kém nhất. Thăm trực tràng có thể ước lượng được kích thước tuyến tiền liệt, hình dáng khối u, mật độ chắc hay mềm, mặt nhẵn hay có u cục, còn hay đã mất rãnh ở giữa, khi sờ vào khối u có đau hay không.
Thăm khám trực tràng
2. Siêu âm tuyến tiền liệt
Siêu âm là phương pháp được sử dụng rộng rãi với ưu điểm thực hiện nhanh, không gây sang chấn, chính xác, hiệu quả cao.
Vai trò của siêu âm trong phì đại tuyến tiền liệt:
-
Đánh giá thể tích tuyến tiền liệt, để có định hướng lựa chọn phương pháp điều trị. Đánh giá thể tích của tuyến tiền liệt đóng vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi phì đại tuyến tiền liệt.
-
Đánh giá tình trạng nhu mô, để chẩn đoán phân biệt với áp xe hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
-
Đánh giá một số biến chứng ở đường dẫn niệu trên và bàng quang như giãn đài bể thận, sỏi.
-
Đánh giá giai đoạn thông qua đo lượng nước tiểu tồn dư.
-
Đánh giá bệnh kết hợp khác ở đường tiết niệu như sỏi thận.
3. Soi bàng quang
Soi bàng quang được thực hiện để đánh giá sự tắc nghẽn đường tiết niệu. Tuy nhiên phương pháp này ít có giá trị vì khó quan sát được cổ bàng quang và niệu đạo tiền liệt tuyến.
4. Chẩn đoán phân biệt với ung thư tiền liệt tuyến
Chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa phì đại tuyến tiền liệt và ung thư tiền liệt tuyến. Cần làm thêm xét nghiệm PSA và sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm để chẩn đoán. Chỉ số PSA toàn phần trong máu nhỏ hơn 4 ng/mL là bình thường.
Biện pháp trị Phì đại tuyến tiền liệt và phác đồ điều trị Bệnh Phì đại tuyến tiền liệt là gì?
1. Thay đổi lối sống
Các thay đổi lối sống cho bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt:
• Trước khi đi ngủ, hạn chế uống nước
• Tránh đồ uống có chứa caffeine, đồ ăn cay
• Tập luyện cách tiểu tiện giúp cho bàng quang hoạt động tốt.
• Tập bài tập nhằm tăng sức mạnh sàn chậu
• Tránh bị táo bón
2. Điều trị nội khoa
Chỉ định điều trị nội khoa với bệnh nhân:
-
Có rối loạn tiểu tiện ở mức độ trung bình đến nặng
-
Điều trị nội khoa có hiệu quả
-
Không có chỉ định bắt buộc điều trị ngoại khoa (sỏi thận, ung thư tiền liệt tuyến, túi thừa bàng quang)
-
Trọng lượng tuyến tiền liệt nhỏ hơn 60g
Các thuốc điều trị nội khoa phì đại tuyến tiền liệt bao gồm:
-
Các thuốc nội tiết: đối kháng GnRH, ức chế 5 alpha-reductase, kháng thụ thể androgen, thuốc kháng alpha adrenergic, các thuốc từ progesteron.
-
Các thuốc chiết xuất từ thảo dược: cơ chế tác dụng vẫn đang được nghiên cứu. Các thuốc này cải thiện rõ rệt triệu chứng ở 60-80% bệnh nhân. Bên cạnh đó, các thuốc này ít có tác dụng không mong muốn nên có thể dùng kéo dài trong nhiều năm.
-
Thuốc khác: Mepatricin (tên thương mại là Ipertrofan). Đây là một polyene bán tổng hợp phân lập từ chủng Streptomyces.
Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu phối hợp, điều trị bằng kháng sinh cho bệnh nhân.
3. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi bệnh đã gây biến chứng hoặc thất bại sau điều trị nội khoa. Các phương pháp điều trị ngoại khoa cho bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt:
-
Cắt đốt phì đại lành tính tuyến tiền liệt nội soi qua niệu đạo: được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị bệnh. Áp dụng với u 60 - 70g.
-
Phẫu thuật mở: áp dụng với u xơ > 70g, hoặc có biến chứng sỏi bàng quang hoặc túi thừa bàng quang.
-
Sử dụng laser cắt u xơ tuyến tiền liệt
-
Bốc hơi nước u xơ tuyến tiền liệt
-
Điều trị bằng áp nhiệt
-
Tiêu hủy u xơ tuyến tiền liệt bằng kim qua đường niệu đạo (TUNA)
-
Đặt stent niệu đạo tiền liệt tuyến
-
Nút động mạch tiền liệt tuyến (PAE)
-
Một số phương pháp khác: điều trị bằng nhiệt từ nước nóng, điều trị bằng đông lạnh, sử dụng siêu âm tập trung cường độ cao
Nội soi cắt đốt phì đại lành tính tuyến tiền liệt qua niệu đạo
Bên cạnh các phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa, bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt cần:
-
Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ
-
Giữ tinh thần lạc quan
-
Hạn chế căng thẳng, duy trì lối sống lành mạnh, tích cực
-
Liên hệ với bác sĩ khi có triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị.
-
Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn biến của bệnh và tìm hướng điều trị thích hợp nếu bệnh không thuyên giảm
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.