
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh gì?
Ung thư tuyến tiền liệt là khối u ác tính phát triển từ các tế bào của tuyến tiền liệt, hay gặp nhất là khối u phát triển từ các tế bào tuyến (các tế bào sản xuất dịch tuyến tiền liệt được thêm vào tinh dịch). Ung thư tuyến tiền liệt đầu tiên biểu hiện như là một tiền ung thư, các tế bào tuyến có những thay đổi bất thường khi nhìn dưới kính hiển vi, nhưng chưa làm biến dạng tuyến tiền liệt (như tế bào ung thư).

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
1. Triệu chứng cơ năng
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thường không có triệu chứng trong nhiều năm và có thể phát hiện nhờ vào thăm khám trực tràng thường quy, đo nồng độ PSA máu. Một số ít trường hợp phát hiện bệnh khi được cắt đốt tuyến tiền liệt qua nội soi niệu đạo vì những tăng sản lành tính.
Những bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến triển có thể gây ra các triệu chứng như:
-
Rối loạn thói quen đi tiểu: tiểu ngập ngừng, tiểu vội, tiểu đêm, tiểu nhỏ giọt, dòng nước tiểu yếu hay có máu trong nước tiểu cuối dòng.
-
Khi khối u lớn chèn ép vào niệu đạo sẽ làm người bệnh khó đi tiểu, tiểu lắt nhắt, phải rặn. Nếu khối ung thư tiếp tục phát triển có thể gây bí tiểu hoàn toàn, người bệnh đau vùng bụng dưới, bàng quang căng to vì không đi tiểu được. Sự xuất hiện đột ngột và diễn tiến nhanh chóng của những triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu ở những người nam ở độ tuổi trung niên trở lên, cũng gợi ý khả năng bệnh.
-
Khó cương cứng hoặc khó giữ được tình trạng cương cứng (bất lực)
-
Đau nhức ở hông, lưng (cột sống), ngực (xương sườn), hoặc các khu vực khác khi ung thư đã di căn đến xương. Ung thư tuyến tiền liệt thường di căn đến các đốt sống thắt lưng, đốt cùng hay di căn đến xương chậu, gây đau lưng hay đau vùng chậu, gây gãy xương bệnh lý. Ung thư có thể lan đến gan gây đau bụng, vàng da.
-
Trong khi di căn hạch bạch huyết có thể dẫn đến phù bạch huyết chi dưới
-
Sự xuất hiện đột ngột những triệu chứng thần kinh như yếu, liệt hai chân, tiểu không tự chủ gợi ý bệnh di căn đến cột sống và chèn ép tủy.
2. Khám thực thể
Khám trực tràng bằng tay (DRE): bác sĩ đeo găng, bôi trơn ngón tay được đưa vào trực tràng để cảm nhận các nhân và tính chất cứng chắc của tổn thương. Ngoài ra cần phải đánh giá sự bất thường của túi tinh và rãnh giữa. Mô tuyến to ra, xuất hiện các nốt sần hay 1 khối cứng không đau, không di động ở bề mặt tuyến tiền liệt, có thể ở một bên của tuyến tiền liệt hay cả hai mặt, có thể đã xâm lấn ra ngoài tuyến tiền liệt đến các mô lân cận hay di căn xa hơn đến các hạch bạch huyết vùng chậu.
Khám trực tràng bằng tay: cảm nhận các nhân và tính chất cứng chắc của tổn thương
Khám hạch bẹn: Đánh giá những vị trí có thể cho di căn xa, đặc biệt hệ xương. Chẩn đoán phân biệt ung thư tuyến tiền liệt với tuyến tiền liệt to trong viêm tuyến tiền liệt cấp tính hay mạn tính hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
1. Xét nghiệm PSA máu
Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt là PSA (Prostate Specific Antigen) là một trong những xét nghiệm sàng lọc đầu tiên cần thực hiện ở nam giới nghĩ có ung thư tuyến tiền liệt.
PSA là xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt
-
PSA là một enzym glycoprotein được sản xuất bởi cả mô tuyến tiền liệt bình thường và mô ung thư.
-
PSA tăng trong hầu hết những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt. PSA huyết thanh được sử dụng để chẩn đoán bệnh, xác định mức độ lan rộng của bệnh, đánh giá đáp ứng điều trị, theo dõi sự tái phát và di căn.
-
Khi làm xét nghiệm PSA/ huyết thanh để tầm soát bệnh, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt được ghi nhận như sau: PSA < 4 ng/mL: bình thường, từ 4 – 10 ng/mL: nguy cơ ung thư là 18 – 30%, từ 10 – 20 ng/mL: nguy cơ ung thư là 50 – 75%, trên 20 ng/mL: nguy cơ ung thư đến 90%.
2. Xét nghiệm máu.
Urê, creatinine tăng cao do ứ đọng nước tiểu.
Bệnh nhân di căn xương: phosphatase kiềm tăng hoặc tăng calci máu.
3. Siêu âm qua trực tràng (TRUS)
Siêu âm qua trực tràng thấy khối u thường xuất hiện như một vùng giảm âm. TRUS thường được sử dụng để đánh giá các ung thư tuyến tiền liệt khi một người đàn ông có nồng độ PSA cao hoặc có kết quả khám trực tràng bằng tay bất thường. Nó cũng giúp sinh thiết tuyến tiền liệt để hướng dẫn kim tiêm vào đúng khu vực nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt.
Siêu âm qua trực tràng thấy khối u thường xuất hiện như một vùng giảm âm
4. Sinh thiết tuyến tiền liệt
Sinh thiết là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, còn gọi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định ung thư tuyến tiền liệt. Trung bình lấy khoảng 12 mẫu, mẫu sinh thiết sẽ được gửi đến một phòng thí nghiệm để quan sát mô bệnh học dưới kính hiển vi xem có chứa tế bào ung thư không
5. Cắt đốt tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP)
TURP (Transurethral Resection of the Prostate) khoảng 5% trường hợp thực hiện cắt đốt tiền liệt tuyến qua đường niệu đạo vì tăng sản lành tính phát hiện được bệnh ung thư.
6. Xạ hình xương
Nên thực hiện thường quy đối với bướu T3-4, có điểm Gleason ≥ 8, PSA ≥ 20 hoặc bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng. Khả năng phát hiện di căn xương qua xạ hình xương rất thấp khi nồng độ PSA < 10 ng/ml hoặc bệnh không biểu hiện triệu chứng.
7. Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
Xét nghiệm này cho biết nếu ung thư đã di căn vào hạch bạch huyết gần đó, hay đã phát triển đến các cơ quan khác hoặc các kết cấu trong khung xương chậu.
8. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
MRI hiển thị hình ảnh rất rõ ràng của tuyến tiền liệt và cả ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt vào túi tinh hay các cấu trúc lân cận khác.
9. Quét ProstaScint TM
Giống như scan xương, chụp ProstaScint sử dụng tiêm chất phóng xạ ở mức độ thấp để tìm ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt.
10. Sinh thiết hạch
Sinh thiết hạch, còn được gọi là bóc tách hạch, một hay nhiều hạch bạch huyết được lấy ra để xem chúng có chứa các tế bào ung thư không nhằm kiểm tra liệu ung thư đã lan rộng từ tuyến tiền liệt tới hạch bạch huyết gần đó chưa.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.