
Ung thư phổi là bệnh gì?
Ung thư phổi (ung thư phế quản – phổi) nguyên phát là tình trạng khối u ác tính xuất phát từ niêm mạc phế quản và phế nang.
Ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới, hàng năm chiếm gần 1/5 các trường hợp tử vong do ung thư. Bệnh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 40 – 60, dưới 40 tuổi ít gặp.
Có nhiều loại ung thư phổi phân theo mô bệnh học nhưng chủ yếu gồm 4 loại sau
-
Ung thư biểu mô tế bào vẩy (20%) xuất phát từ phế quản chính.
-
Ung thư biểu mô tuyến (35 – 40%) xuất phát từ phế quản và phế nang.
-
Ung thư biểu mô tế bào lớn (3 – 5%).
-
Ung thư tế bào nhỏ (10 – 15%) xuất phát từ phế quản gốc, rất ác tính và di căn sớm.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Ung thư phổi?
-
Thuốc lá: là nguyên nhân hàng đầu/nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi. Trên 90% bệnh nhân ung thư phổi ở nam giới có nghiện thuốc lá, khoảng 80% trường hợp mắc ở nữ giới có liên quan đến thuốc lá. Trong khói thuốc lá có hơn 40 chất có khả năng gây ung thư phổi. Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 13 lần.
Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi lên 13 lần
-
Ô nhiễm không khí: Khói bụi công nghiệp chứa nhiều chất gây ung thư như 3,4 benzopyren, hydrocacbon thơm đa vòng.
-
Amiăng: khi tiếp xúc với bụi amiăng thì nguy cơ ung thư phổi tăng gấp 10 lần, nếu người đó có hút thuốc lá thì nguy cơ tăng lên 100 lần.
-
Vật lý, hóa học: sợi amiang, niken, nhựa, khí đốt, asen, chất phóng xạ uranium.
-
Yếu tố di truyền: liên quan đến đột biến gen như đột biến gen p53, EGFR.
-
Các bệnh phế quản phổi: xơ phổi, bệnh bụi phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
-
Yếu tố dinh dưỡng: bữa ăn ít rau và hoa quả, nhiều thực phẩm nướng, chiên có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn.

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Ung thư phổi là gì?
Triệu chứng sớm của ung thư phổi rất nghèo nàn, bệnh tiến triển âm thầm. Phát hiện bệnh có thể do tình cờ, do triệu chứng đường hô hấp hoặc do các triệu chứng chèn ép, di căn.
1. Triệu chứng đường hô hấp.
-
Ho khan hoặc ho có đờm, ho kéo dài dùng các thuốc điều trị triệu chứng không đỡ.
-
Ho ra máu: gặp khoảng 50% các trường hợp, ho ra máu số lượng ít lẫn với đờm.
-
Khó thở: thường gặp ở giai đoạn muộn khi khối u to chèn ép hoặc bít tắc đường hô hấp.
BN ung thư phổi có các triệu chứng như ho khan, ho có đờm, ho kéo dài, ho ra máu
2. Triệu chứng do chèn ép, xâm lấn
-
Đau ngực: đau dai dẳng, thường đau bên tổn thương đau kiểu thần kinh liên sườn.
-
Hội chứng Pancoast – Tobias: do u đỉnh phổi chèn ép rễ đám rối thần kinh cánh tay. Triệu chứng đau kèm theo rối loạn cảm giác vùng trên xương đòn, bả vai lan ra mặt trong cánh tay.
-
Khàn tiếng: khối u ở phổi trái lan vào trung thất hoặc hạch to chèn ép thần kinh quặt ngược. Phát hiện dây thanh âm bên trái bị liệt khi soi thanh quản.
-
Nuốt nghẹn: u chèn ép thực quản.
-
Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên: do khối u thùy trên phổi phải xâm lấn trực tiếp tĩnh mạch chủ trên hoặc hạch di căn ở trung thất. Dấu hiệu phù áo khoác, tuần hoàn bàng hệ ở ngực, mặt, môi tím, tĩnh mạch cảnh ngoài nổi rõ.
-
Nấc: dây thần kinh hoành bị chèn ép bởi khối u.
-
Hội chứng Claude – Bernard – Horner: do chèn ép thần kinh giao cảm cổ (nửa mặt đỏ, khe mí mặt hẹp, đồng tử nhỏ, nhãn cầu tụt về phía sau).
-
Tràn dịch màng phổi.
3. Triệu chứng di căn
-
Di căn não: hội chứng tăng áp lực nội sọ và liệt thần kinh khu trú.
-
Di căn xương: bệnh nhân có cảm giác đau xương hoặc có thể bị gãy xương
-
Hạch: thượng đòn, nách.
4. Triệu chứng cận ung thư
-
Vú to ở nam giới.
-
Hội chứng Cushing (tăng ACTH)
-
Hội chứng Schwartz-Barter: khối u bài tiết peptide có hoạt tính giống hormone ADH làm Natri máu giảm do pha loãng.
-
Hội chứng Pierre – Marie: ngón tay dùi trống, sưng đau khớp nhỏ và nhỡ
5. Triệu chứng toàn thân
Toàn thân gầy sút, sốt nhẹ.
Hạch thượng đòn.

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Ung thư phổi bằng cách nào?
-
Xét nghiệm đờm: Mục đích tìm tế bào ung thư trong đờm, tỷ lệ thấy tế bào ung thư thấp.
-
Chụp X Quang: Chụp lồng ngực thẳng, nghiêng để phát hiện đám mờ ở phổi. Để xác định vị trí, kích thước, hình thái của tổn thương. Ngoài ra còn có giá trị đánh giá khả năng phẫu thuật.
-
Chụp CT Scanner: Chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang có giá trị trong chẩn đoán, giúp phân định giai đoạn TNM, hướng dẫn sinh thiết xuyên thành ngực. Ngoài ra có thể chụp cộng hưởng từ (MRI) phổi hoặc não nếu có nghi ngờ di căn não.
-
Chụp PET – CT là phương pháp tốt nhất đối với ung thư phổi để phát hiện di căn xa.
-
Soi phế quản: Soi phế quản bằng ống mềm, có thể chải rửa phế quản hoặc sinh thiết, sinh thiết xuyên vách.
-
Chọc hút xuyên thành ngực bằng kim nhỏ.
-
Thăm dò chức năng hô hấp đánh giá chức năng hô hấp trước phẫu thuật.
-
Chất chỉ điểm khối u: CEA, NSE (Neuron Specific Enolase), CYFRA 21-1 (Cytokeratin 19 Fragment).
-
Xét nghiệm gen: Dựa trên bệnh phẩm mô bệnh học giúp xác định đột biến gen EGRF trong trường hợp ung thư biểu mô tuyến giúp điều trị đích.

Biện pháp trị Ung thư phổi và phác đồ điều trị Bệnh Ung thư phổi là gì?
1. Ung thư biểu mô tế bào nhỏ
Giai đoạn khu trú: xạ trị kết hợp đa hóa trị liệu.
Xạ trị: khối u, trung thất, hố thượng đòn, dự phòng ở não.
Hóa trị liệu: dùng 2 hoặc nhiều thuốc
-
EP: Cisplatin, Etoposide
-
CAV: Cyclophosphamid, Doxorubicin, Vincristin
-
CEV: Epirubicin, Cyclophosphamid, Vincristin.
-
CAE (CDE, ACE): Cyclophosphamid, Doxorubicin, Etoposid.
Giai đoạn lan rộng: đa hóa trị liệu.
2. Ung thư không phải loại tế bào nhỏ.
-
Giai đoạn IA, IB, IIA, IIB: chỉ định phẫu thuật (tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ, tiến triển của khối u mà chỉ định cắt bỏ phân thùy, một thùy hoặc một phổi). Có thể tia xạ hoặc hóa trị bổ trợ.
-
Giai đoạn IIIA: hóa trị liệu hoặc xạ trị trước khi phẫu thuật.
-
Giai đoạn IIIB: hóa trị liệu kết hợp xạ trị.
-
Giai đoạn IV: hóa trị liệu nếu thể trạng còn tốt.
Điều trị đích: Bevacizumab (Avastin) chỉ định cho bệnh nhân có VEGF (+) (Vascular endothelial growth factor). Cetuximab (Erbitux), erlotinib (Tarceva), gefitinib (Iressa) được chỉ định cho những bệnh nhân có đột biến EGFR (+) (Epidermal Growth Factor Receptor).
3. Một số liệu pháp điều trị triệu chứng bệnh ung thư phổi
-
Chống đau
-
Liệu pháp hô hấp, thở oxy trong trường hợp cần.
-
Làm dính màng phổi chủ động để tránh tràn dịch màng phổi.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.