Biện pháp trị Ung thư gan và phác đồ điều trị Bệnh Ung thư gan là gì?
1 . Phẫu thuật
Có ba phương pháp phẫu thuật chủ yếu: cắt gan, thắt động mạch gan và ghép gan.
-
Cắt gan: Chỉ định: khối u có kích thước < 5cm, chưa có di căn và chức năng gan còn tốt. Sử dụng phương pháp cắt gan không có kế hoạch (không tính toán đến giải phẫu của gan) và cắt gan có kế hoạch (phương pháp Tôn Thất Tùng).
-
Thắt động mạch gan: Chỉ định: những trường hợp chảy máu do vỡ nhân ung thư hoặc không còn khả năng cắt gan. Sử dụng phương pháp: thắt động mạch gan chung hoặc động mạch gan riêng.
-
Ghép gan: Chỉ định: khối u có kích thước < 5cm và chỉ có không quá 3 khối u, chưa có xâm lấn mạch máu. Tuy nhiên phương pháp còn nhiều hạn chế như chất lượng và số lượng nguồn gan ghép còn rất hạn chế.
2. Điều trị tại chỗ ung thư gan
2.1. Tiêm cồn tuyệt đối (Percutaneous ethanol injection - PEI) qua da
Đối với ung thư giai đoạn sớm (Barcelona A) có một khối u hoặc không quá ba khối u với kích thước ≤ 3cm, và có bệnh lý kèm theo, không thích hợp với chỉ định phẫu thuật. Chống chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có cổ chướng nhiều, giảm tiểu cầu nặng hoặc rối loạn đông máu.
Biến chứng:
-
Biến chứng nhẹ: sốt (1-3 ngày đầu sau tiêm cồn do hoại tử khối u), đau (đáp ứng tốt với các thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc opiate dạng uống).
-
Biến chứng nặng: chảy máu ổ bụng, abces gan, suy gan, huyết khối tĩnh mạch cửa, nhồi máu gan. Tỷ lệ các biến chứng nặng tăng theo lượng cồn sử dụng.
2.2. Tiêm acid acetic qua da (Percutaneous acid acetic injection - PAAI)
Công thức tính lượng acid acetic tiêm vào là: V (ml) = 4/3 x 3,14 x (r + 0,5)3 x ⅓
Trong đó: V là thể tích cồn tiêm vào, r là bán kính khối u (tính theo cm) và thêm 0,5cm để đảm bảo vùng rìa ngoại vi khối u có thể hoại tử hoàn toàn.
2.3. Đốt nhiệt khối u gan bằng sóng cao tần (Radiofrequency ablation RFA)
Chỉ định: ung thư giai đoạn sớm (Barcelona A) có một khối u không quá 5cm hoặc có không quá 3 khối u, kích thước mỗi khối không quá 3 cm, người bệnh ChildPugh A hoặc B, không thích hợp với chỉ định phẫu thuật.
Chống chỉ định:
-
Chống chỉ định tuyệt đối: ung thư gan có di căn ngoài gan, khối u xâm lấn đường mật chính, đang nhiễm trùng, thay đổi trạng thái về tinh thần, thời gian sống thêm ước tính dưới 6 tháng.
-
Chống chỉ định tương đối: khối u > 5cm ở bệnh nhân xơ gan nặng, có trên 4 tổn thương, có bệnh lý nội khoa nặng (tim mạch, hô hấp), rối loạn đông máu nặng.
Biến chứng: sốt, đau, di căn theo đầu kim, vỡ khối u, rò mật, huyết khối tĩnh mạch cửa, nhồi máu gan…
3. Nút mạch hoá chất (TACE)
Chỉ định: ung thư giai đoạn trung bình (Barcelona B), có nhiều khối ung thư nhưng chức năng gan và toàn trạng bệnh nhân vẫn đảm bảo (Child-Pugh A-B, PTS 0).
Chống chỉ định: ung thư gan đã có di căn ngoài gan, huyết khối tĩnh mạch cửa, khối ung thư có shunt động mạch lớn, bệnh nhân có hội chứng não gan, chức năng thận kém, có chống chỉ định với chụp mạch, phụ nữ có thai.
Biến chứng: hội chứng sau nút mạch (sốt, đau vùng hạ sườn phải, buồn nôn và nôn), viêm túi mật cấp, hoại tử đường mật, viêm tuỵ cấp, loét dạ dày.
4. Điều trị đích (Sorafenib)
Chỉ định: ung thư giai đoạn muộn (Barcelona C) khối u xâm lấn tĩnh mạch cửa, có hạch vùng, di căn xa, PTS 1-2.
Liều lượng: Sorafenib (Nexava) 200 mg - 400 mg x 2 lần/ ngày.
Tác dụng phụ: tăng huyết áp, protein niệu, ban da, hội chứng tay chân (đỏ và đau gan bàn tay, bàn chân).
5. Hoá trị liệu
Sử dụng hoá chất trong điều trị ung thư gan nguyên phát được chỉ định cho những bệnh nhân đã có di căn, hoặc điều trị hỗ trợ sau khi đã cắt bỏ khối u, gây tắc mạch.
Có thể sử dụng hoá chất tại chỗ hoặc toàn thân, đơn độc hoặc phối hợp. Hoá trị liệu có thể làm cho khối u nhỏ lại ở 50-70% số bệnh nhân và thời gian sống thêm 12 tháng đối với bệnh nhân có khối u đã di căn.
Thuốc thường được sử dụng là: 5FU, Cisplatin, Leucovorin.
6. Điều trị triệu chứng ung thư gan
Giảm đau: điều trị giảm đau theo khuyến cáo của WHO.
-
Bậc 1: đau nhẹ. Dùng thuốc giảm đau không opioid: paracetamol 500 mg 6 giờ/ lần; Ibuprofen 400 - 800 mg 6 - 8 giờ/ lần.
-
Bậc 2: đau trung bình. Các opioid yếu: Codein 30 - 60mg 3 - 4 giờ/ lần.
-
Bậc 3: đau nặng. Dùng opioid mạnh như morphin. Liều bắt đầu 5mg uống, sau đó tăng đến 10 mg dùng 4 giờ/ lần. Có thể dùng đường tiêm dưới da hoặc tĩnh mạch.
Chế độ dinh dưỡng: nếu bệnh nhân không ăn được phải truyền dịch thay thế.
Điều trị cổ chướng (nếu có).

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.