
U xơ tử cung là bệnh gì?
U xơ tử cung có nguồn gốc từ các tế bào cơ trơn của tử cung, là khối u lành tính. Bệnh gặp ở 20-25% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh nhân xơ tử cung ít có triệu chứng, tuy nhiên khi kích thước khối u lớn thì có thể gây rong kinh, đau, vô sinh. Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ, nhưng nhiều tác giả ủng hộ giả thuyết về cường estrogen. Bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi từ 35-40, không gặp trước tuổi dậy thì

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh U xơ tử cung là gì?
Bệnh nhân xơ tử cung thường ít khi có triệu chứng và được phát hiện một cách tình cờ. Các triệu chứng tùy thuộc vào kích thước và vị trí khối u.
1. Triệu chứng toàn thân:
Bệnh nhân có thể bị thiếu máu. Mức độ thiếu máu tùy thuộc tình trạng mất máu.
Bệnh nhân u xơ tử cung có thể bị thiếu máu
2. Triệu chứng cơ năng
-
Khí hư loãng như nước.
-
Triệu chứng chính là rong kinh, cường kinh, gặp ở 60% trường hợp. Máu kinh thường có máu loãng lẫn máu cục. Kinh nguyệt kéo dài 7 - 10 ngày hoặc có thể dài hơn.
-
Đau vùng hố chậu hoặc vùng hạ vị. Mức độ đau có thể tăng trước hoặc trong khi có kinh nguyệt. Tình trạng đau hoặc tức bụng kéo dài nguyên nhân có thể do khối u chèn ép vào các tạng lân cận.
3. Triệu chứng thực thể
-
Nhìn: có thể nhìn thấy khối u gồ lên ở vùng hạ vị nếu kích thước khối u lớn.
-
Sờ nắn bụng: khối u ở hạ vị di động liên quan với tử cung, có mật độ chắc.
-
Khám mỏ vịt: có thể thấy polyp có cuống nằm ở lỗ ngoài cổ tử cung nếu u xơ ở vị trí cổ tử cung.
-
Khám âm đạo kết hợp với nắn bụng: tử cung to, nhẵn, chắc, đều (có khi gồ ghề), không đau. Nếu u xơ dưới thanh mạc có thể phát hiện cạnh tử cung một khối u, khi lay cổ tử cung thì khối u di động theo.
-
Khám trực tràng: phân biệt khối u trực tràng và u xơ tử cung phát triển về phía sau.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh U xơ tử cung bằng cách nào?
1. Xét nghiệm
-
Siêu âm: đo được kích thước của nhân xơ tử cung và u xơ tử cung, kích thước tử cung tăng. Siêu âm cản quang (bơm dịch cản quang hoặc nước muối vào buồng tử cung) có thể phát hiện thấy polyp buồng tử cung. Chẩn đoán siêu âm có thể gặp khó khăn trong các trường hợp tử cung dị dạng hoặc u nang buồng trứng dính với tử cung.
Siêu âm tử cung
-
Xét nghiệm tế bào âm đạo: phát hiện các tổn thương ở cổ tử cung kèm theo.
-
CT- scan được chỉ định trong các trường hợp cần phân biệt với ung thư ở tiểu khung.
2. Chẩn đoán
2.1. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định u xơ tử cung dựa vào các triệu chứng và xét nghiệm cận lâm sàng. Chẩn đoán thường dễ dàng khi khối u kích thước lớn và có nhiều nhân xơ.
2.2. Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt u xơ tử cung với các trường hợp sau
-
Có thai: phải dựa vào siêu âm và xét nghiệm β hCG để phân biệt.
-
Khối u buồng trứng: di động khối u không làm cổ tử cung di chuyển, thường biệt lập với tử cung. Chẩn đoán phân biệt u xơ tử cung dưới phúc mạc với khối u buồng trứng với đôi khi gặp khó khăn.
-
Ung thư thân tử cung: tất cả trường hợp ra máu bất thường thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh cần được loại trừ ung thư thân tử cung. Chẩn đoán xác định nhờ các xét nghiệm bổ sung như: sinh thiết, soi buồng tử cung.
Biện pháp trị U xơ tử cung và phác đồ điều trị Bệnh U xơ tử cung là gì?
Phương pháp điều trị tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng thai nghén, mong muốn có thai trong tương lai, số lần có thai, vị trí và kích thước khối u của bệnh nhân.
1. Điều trị nội khoa
Mục đích chủ yếu của điều trị nội khoa là hạn chế khối u phát triển và các triệu chứng rong kinh, rong huyết.
Điều trị nội khoa được chỉ định với các bệnh nhân:
-
Có một số u xơ nhỏ, không có biến chứng, chỉ cần theo dõi và không cần điều trị
-
U xơ nhỏ, không có biến chứng hoặc ở bệnh nhân ở tuổi sắp mãn kinh hoặc chờ mổ vì một số bệnh lý nội khoa, nhưng phải dừng điều trị trước khi phẫu thuật tối thiểu 10 ngày.
Có thể sử dụng một số thuốc như Danazol, chất đồng vận GnRH, Medroxyprogesteron acetat. Tác dụng của thuốc đạt tối đa sau khi dùng thuốc 3-6 tháng, khối u có thể giảm 50% thể tích, sau đó thể tích của khối u không giảm thêm. Nếu ngừng dùng thuốc, kích thước khối u sẽ dần tăng trở lại.
Thuốc điều trị u xơ tử cung hạn chế khối u phát triển
2. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân:
-
U xơ có biến chứng: chảy máu, hoại tử, chèn ép, điều trị nội khoa thất bại.
-
U xơ kết hợp tổn thương khác: nghịch sản cổ tử cung, u nang buồng trứng, sa sinh dục.
-
U xơ tử cung to hoặc lớn dần (lớn hơn 8cm)
-
U xơ gây biến dạng buồng tử cung: u xơ dưới niêm mạc gây nhiễm khuẩn và chảy máu.
2.1. Điều trị bảo tồn
-
Gây tắc mạch: sử dụng phương pháp làm tắc mạch của khối nhân xơ bằng catheter đặt qua động mạch đùi, đưa lên động mạch tử cung sau đó bơm chất gây tắc mạch như: hạt silicon, hạt gelatin xốp (Gelfoam), hạt polyvinyl alcohol ( PVA).
-
Bóc nhân xơ bảo tồn tử cung bằng nội soi hoặc mổ hở.
-
Cắt polyp buồng tử cung.
2.2. Điều trị triệt để
Biện pháp điều trị triệt để cho bệnh nhân u xơ tử cung là cắt tử cung hoàn toàn. Phương pháp này sẽ chấm dứt khả năng sinh sản của người phụ nữ. Tùy từng trường hợp, người bệnh có thể được chỉ định cắt bỏ buồng trứng.
Biến chứng của Bệnh U xơ tử cung?
U xơ tử cung thường tiến triển chậm, khối u có thể tăng kích thước sau một thời gian và gây ra các triệu chứng và biến chứng. Nếu khối u nhỏ thì không gây ra triệu chứng hay biến chứng gì đáng kể. Ở thời kỳ mãn kinh, khối u có thể ngừng phát triển.
1. U xơ tử cung ở bệnh nhân không có thai
-
Chảy máu: biểu hiện chính thường là rong kinh, rong huyết, hay gặp trong trường hợp u dưới niêm mạc. Ra máu kéo dài là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu.
-
Chèn ép: u xơ trong dây chằng rộng chèn ép niệu quản dẫn tới ứ đọng đài bể thận.
-
U xơ nằm ở mặt sau của tử cung gây chèn ép trực tràng dẫn tới táo bón.
-
Xoắn khối u dưới phúc mạc có cuống: đau dữ dội vùng hố chậu, kèm theo dấu hiệu kích thích phúc mạc (bí trung tiện, nôn). Toàn thân suy sụp, bụng chướng, mạch nhanh. Đau có thể dẫn đến choáng.
-
Thoái hoá: trong một số trường hợp khối u lớn có thể thoái hóa kính hoặc thoái hoá hoại tử vô khuẩn .
-
Ung thư hoá: hiếm gặp
2. U xơ tử cung và thai nghén
-
Chậm có thai, vô sinh
-
Khi có thai: u xơ tử cung có thể gây đẻ non, sẩy thai, rau tiền đạo, rau bám chặt, đẻ khó.
-
Khi chuyển dạ: thường gây rối loạn cơn co, chuyển dạ kéo dài. Thời kỳ sổ rau thường gây đờ tử cung, băng huyết.
-
Trong một số trường hợp, vị trí của khối u có thể gây trở ngại khi rạch cơ tử cung để mổ lấy thai.
-
Thời kỳ hậu sản: u xơ tử cung có thể gây ra nhiễm khuẩn hậu sản hoặc bế sản dịch.
-
Biến chứng sau đẻ của u xơ: khối u chèn ép bàng quang, trực tràng; khối u dưới phúc mạc bị dính vào phúc mạc; có thể xảy ra biến chứng nhiễm khuẩn ở khối u, vòi tử cung, niêm mạc tử cung. Khi có nhiễm khuẩn, bệnh nhân sốt, đau bụng, số lượng bạch cầu tăng, toàn thân có thể suy sụp.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.