Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Bạch hầu là gì?
Bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vị trí gây bệnh của mà vi khuẩn bạch hầu:
-
Bệnh bạch hầu mũi trước: người bệnh có các triệu chứng sổ mũi, chảy mũi ra mủ nhầy, có khi lẫn máu. Khi khám có thể thấy ở vách ngăn mũi có màng trắng. Đây là thể bệnh nhẹ do độc tố của vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
-
Bệnh hầu họng: thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-5 ngày, giai đoạn này bệnh nhân không có triệu chứng. Thời kỳ khởi phát, bệnh nhân thường sốt 37,5-38 độ C, đau họng, da hơi xanh, sổ mũi có thể lẫn máu một bên hoặc cả hai bên, mệt, ăn kém, khó chịu. Khám họng thấy hơi đỏ, sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau, có điểm trắng mờ dạng giả mạc ở amidan. Thời kỳ toàn phát là vào ngày thứ 2-3 của bệnh, người bệnh nuốt đau, da xanh tái, sốt từ 38-38,5 độ C, mệt nhiều, chán ăn, huyết áp hơi hạ, mạch nhanh. Khám họng thấy có giả mạc lan tràn ở một bên hoặc cả hai bên amidan; trường hợp nặng giả mạc lan trùm lưỡi gà và màn hầu. Giả mạc ban đầu màu trắng ngà, sau đó chuyển thành màu hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, khi bóc tách gây chảy máu và vài giờ sau mọc lại rất nhanh. Giả mạc không tan trong nước, dai, niêm mạc xung quanh giả mạc bình thường. Hạch góc hàm sưng đau; bệnh nhân sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc có lẫn mủ.
-
Bạch hầu thanh quản: đây là thể bệnh rất nguy hiểm và tiến triển nhanh. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu ho ông ổng, khàn tiếng, sốt. Khi thăm khám, bác sĩ có thể thấy giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể làm đường thở bị tắc nghẽn dẫn đến suy hô hấp và có thể tử vong nhanh chóng.
-
Bạch hầu các vị trí khác: thường nhẹ và rất hiếm gặp, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét da, niêm mạc (như niêm mạc mắt hay âm đạo,...).
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.