Bệnh Lý » Bệnh » Bệnh Truyền nhiễm » Bạch hầu

Bạch hầu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng-điều trị

Bạch hầu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng (dấu hiệu nhận biết-biểu hiện), xét nghiệm-chẩn đoán và biện pháp phác đồ điều trị khi bị Bạch hầu. Phân loại Bệnh Bạch hầu có mấy loại? Ngoài ra, các thông tin khác bổ sung về Bệnh Bạch hầu bao gồm: Cách phòng ngừa, các giai đoạn Bệnh Bạch hầu, những biến chứng thường gặp và đối tượng nguy cơ mắc Bệnh Bạch hầu. Và những điều cần biết khác về Bạch hầu. Tìm hiểu xem Bệnh Bạch hầu có nguy hiểm không? Bạch hầu có lây không? Bạch hầu có di truyền không?

Bạch hầu

Bạch hầu là bệnh gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn nhiễm độc cấp tính, nguy hiểm với biểu hiện đặc trưng là có giả mạc (màng giả) ở vùng amidan, hầu họng, thanh quản. Bệnh cũng có thể xuất hiện trên da hoặc các màng niêm mạc khác như niêm mạc của đường tiết niệu-sinh dục hoặc kết mạc mắt. Bệnh bạch hầu có khả năng lây lan nhanh chóng và gây ra dịch.

Bạch hầu Là gì

Nguyên nhân nào gây Bệnh Bạch hầu?

Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Vi khuẩn này có sức đề kháng cao khi ở bên ngoài cơ thể. Nếu được chất nhầy bao quanh bảo vệ, vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần, có thể sống trên đồ vải được 30 ngày, sống trong sữa và nước uống đến 20 ngày. Vi khuẩn bạch hầu sẽ chết sau vài giờ dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp.

Bạch hầu Nguyên nhân

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Bạch hầu là gì?

Bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vị trí gây bệnh của mà vi khuẩn bạch hầu:

  • Bệnh bạch hầu mũi trước: người bệnh có các triệu chứng sổ mũi, chảy mũi ra mủ nhầy, có khi lẫn máu. Khi khám có thể thấy ở vách ngăn mũi có màng trắng. Đây là thể bệnh nhẹ do độc tố của vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

  • Bệnh hầu họng: thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-5 ngày, giai đoạn này bệnh nhân không có triệu chứng. Thời kỳ khởi phát, bệnh nhân thường sốt 37,5-38 độ C, đau họng, da hơi xanh, sổ mũi có thể lẫn máu một bên hoặc cả hai bên, mệt, ăn kém, khó chịu. Khám họng thấy hơi đỏ, sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau, có điểm trắng mờ dạng giả mạc ở amidan. Thời kỳ toàn phát là vào ngày thứ 2-3 của bệnh, người bệnh nuốt đau, da xanh tái, sốt từ 38-38,5 độ C, mệt nhiều, chán ăn, huyết áp hơi hạ, mạch nhanh. Khám họng thấy có giả mạc lan tràn ở một bên hoặc cả hai bên amidan; trường hợp nặng giả mạc lan trùm lưỡi gà và màn hầu. Giả mạc ban đầu màu trắng ngà, sau đó chuyển thành màu hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, khi bóc tách gây chảy máu và vài giờ sau mọc lại rất nhanh. Giả mạc không tan trong nước, dai, niêm mạc xung quanh giả mạc bình thường. Hạch góc hàm sưng đau; bệnh nhân sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc có lẫn mủ.

  • Bạch hầu thanh quản: đây là thể bệnh rất nguy hiểm và tiến triển nhanh. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu ho ông ổng, khàn tiếng,  sốt. Khi thăm khám, bác sĩ có thể thấy giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể làm đường thở bị tắc nghẽn dẫn đến suy hô hấp và có thể tử vong nhanh chóng.

  • Bạch hầu các vị trí khác: thường nhẹ và rất hiếm gặp, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét da, niêm mạc (như niêm mạc mắt hay âm đạo,...).

Bạch hầu Triệu chứng

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Bạch hầu bằng cách nào?

  • Loại mẫu bệnh phẩm: giả mạc tại chỗ viêm hoặc chất dịch nhầy ở thành họng.

  • Phương pháp xét nghiệm: thường làm tiêu bản nhuộm Gram và soi kính hiển vi, trực khuẩn bạch hầu bắt màu Gram (+), hai đầu to hoặc bắt màu xanh khi nhuộm Albert. Phân lập vi khuẩn bạch hầu trên các môi trường đặc hiệu cho kết quả chậm. Phương pháp tìm kháng thể trong máu của bệnh nhân ít khi được sử dụng.

Chẩn đoán xác định: phân lập được vi khuẩn bạch hầu từ các mẫu bệnh phẩm lâm sàng.

Biện pháp trị Bạch hầu và phác đồ điều trị Bệnh Bạch hầu là gì?

Bạch hầu là bệnh cần phải nhập viện ngay để được điều trị và cách ly càng sớm càng tốt. Cần đảm bảo các nguyên tắc sau khi điều trị bạch hầu: 

  • Cách ly trong 10-14 ngày, cho bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường.

  • Sử dụng kháng sinh diệt khuẩn.

  • Dùng thuốc trung hòa độc tố càng sớm càng tốt.

  • Phát hiện và xử lý các biến chứng.

  • Chống tái phát và bội nhiễm.

  • Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho bệnh nhân, nếu bệnh nhân khó nuốt phải cho ăn bằng sonde dạ dày.

Phương pháp điều trị cụ thể gồm sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD) và sử dụng kháng sinh diệt khuẩn:

  • Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu được sử dụng ngay khi nghi ngờ mắc bệnh. Liều lượng không phụ thuộc vào lứa tuổi và cân nặng, phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Cần test trước khi tiêm, áp dụng phương pháp giải mẫn cảm nếu dương tính.

  • Kháng sinh diệt khuẩn: Penicillin G, Erythromycin hoặc Azithromycin.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác gồm hỗ trợ tuần hoàn, hỗ trợ hô hấp, cân bằng điện giải, sử dụng corticoid trong trường hợp bạch hầu thanh quản có phù nề nhiều và bạch hầu ác tính, lọc máu liên tục (với bệnh nhân suy đa tạng hoặc suy thận nếu có chỉ định),...

Bạch hầu Cách điều trị

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.

Cập nhật: 30/08/2023 03:46