
Viêm cơ tim là bệnh gì?
Viêm cơ tim là tình trạng nhiễm trùng cơ tim dẫn đến thoái hóa và hoại tử các tế bào cơ tim. Bệnh có thể dẫn đến các rối loạn nhịp phức tạp, suy tim cấp, thậm chí tử vong. Triệu chứng lâm sàng có thể kín đáo hoặc hết sức nặng nề. Tỉ lệ mắc bệnh là 1/100.000 - 10/100.000 dân số. Nếu được đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ mang lại kết quả rất khả quan cho người bệnh.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Viêm cơ tim?
-
Do virus: là nguyên nhân gây viêm cơ tim phổ biến nhất. Một số virus có thể gây viêm cơ tim là Dengue, CMV, Epstein – Barr, Coxsackie B,…
-
Do vi khuẩn: Streptococcus, Leptospira, N. meningitidis, Salmonella, Psittacosis, Tropheryma whippelii, Rickettsia, Treponema pallidum, Legionella, … là một số vi khuẩn gây viêm cơ tim thường gặp
-
Do nấm: tương đối hiếm gặp, chủ yếu gặp ở người có bệnh lý ác tính, đang dùng steroid, hóa trị hoặc đang sử dụng liệu pháp ức chế miễn dịch. Một số loại nấm được có thể gây viêm cơ tim gồm Candida, Cryptococcus, Actinomyces, Aspergillus, Histoplasma.
-
Do nhiễm độc và chuyển hóa: một số loại thuốc, tác nhân vật lý, chất hóa học có thể gây viêm cơ tim. Có thể kể đến một số trong đó như Cocain, Anthracyclines, Catecholamine,…
-
Do phản ứng quá mẫn của cơ thể: là phản ứng tự nhiên của miễn dịch tim do dùng thuốc. Tình trạng này rất hiếm gặp trên lâm sàng, nhưng có thể gây suy tim rất nhanh, thậm chí là tử vong. Một số thuốc có thể dẫn đến viêm cơ tim gồm thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chống động kinh, kháng sinh, thuốc chống lao, thuốc lợi tiểu,…
Một số thuốc có thể dẫn đến viêm cơ tim
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Viêm cơ tim là gì?
Phần lớn các trường hợp bệnh nhân viêm cơ tim không có các triệu chứng đặc hiệu. Hầu như phần lớn bệnh nhân đều có cảm giác khó thở ít, mệt mỏi,... rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện rối loạn nhịp nguy kịch hoặc suy tim tối cấp rầm rộ.
Các triệu chứng của viêm cơ tim phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ thương tổn, có thể chia thành 3 nhóm:
-
Nhóm không triệu chứng: triệu chứng không rõ ràng, bệnh diễn biến âm thầm, đến khi bệnh nhân có các triệu chứng rõ rệt thì đã ở giai đoạn muộn.
-
Nhóm có triệu chứng điển hình: có các triệu chứng của cúm như đau đầu, sốt cao, mỏi cơ, chảy nước mắt, mũi, đau tức ngực, đánh trống ngực, tiêu chảy.
-
Nhóm có triệu chứng nghiêm trọng: có các triệu chứng mạch đập nhỏ, yếu, sốc tim, hạ huyết áp…Bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị và nguy cơ tử vong rất cao.
Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân tử vong do chủ quan, nghĩ rằng không mắc bệnh, đặc biệt những người ở độ tuổi trung niên. Vì vậy, đo điện tim khi bệnh nhân đến khám bệnh là rất hữu ích, không chỉ giúp phát hiện viêm cơ tim mà còn phát hiện các bệnh lý gây rối loạn nhịp tim khác như: ngoại tâm thu, cơn nhịp nhanh kịch phát,...

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Viêm cơ tim bằng cách nào?
-
Công thức máu: bạch cầu tăng .
-
Tốc độ lắng máu tăng.
-
Tăng men tim troponin hoặc CK.
-
Siêu âm tim: có thể có giảm vận động các thành tim, phân số tống máu giảm, rối loạn vận động vùng, có thể có tràn dịch màng tim, có huyết khối trong buồng tim,...
Siêu âm tim
-
Có thể áp dụng chụp cắt lớp với gallium, chụp cộng hưởng từ...
-
Chụp động mạch vành: rất quan trọng để xác định có bị hẹp hoặc tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim hay không.
-
Sinh thiết cơ tim: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định là viêm cơ tim, cho biết tiên lượng bệnh dựa trên đánh giá các tổn thương mô bệnh học cơ tim.
-
Điện tâm đồ: thường không đặc hiệu để chẩn đoán viêm cơ tim vì các hình ảnh tổn thương tương tự với viêm màng ngoài tim hoặc nhồi máu cơ tim.
-
Đặc điểm mô bệnh học: sinh thiết nội tâm mạc cơ tâm thất phải thường thấy các tế bào lympho xâm nhập vào khoảng kẽ và bên trong tế bào, có hiện tượng thoái hóa, hoại tử tế bào cơ tim từ nhẹ đến nặng.
Biện pháp trị Viêm cơ tim và phác đồ điều trị Bệnh Viêm cơ tim là gì?
1. Điều trị nội khoa
-
Điều trị nội khoa viêm cơ tim bao gồm điều trị triệu chứng của suy tim cấp gồm: thuốc lợi tiểu, nitroprussid, nitrat và thuốc ức chế men chuyển.
-
Các thuốc tăng co bóp cơ tim như milrinone, dobutamin có thể cần trong các trường hợp bệnh nhân suy tim nặng mất bù mặc dù các thuốc này làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Về lâu dài, áp dụng các thuốc tương tự trong điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc và liều lượng của thuốc cần được áp dụng với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.
-
Cần loại bỏ các yếu tố làm tình trạng bệnh nặng thêm như các hóa chất, rượu, thuốc lá... là các chất gây độc cơ tim. Điều trị các nguyên nhân khác và tình trạng nhiễm trùng. Không nên dùng các thuốc kháng viêm không steroid cho bệnh nhân trong giai đoạn cấp vì các thuốc này làm tăng quá trình viêm và hoại tử cơ tim, làm chậm quá trình phục hồi cơ tim và làm tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân.
-
Các thuốc chống đông nên được sử dụng cho các trường hợp cụ thể như buồng tim giãn quá nhiều làm tăng nguy cơ đông máu trong buồng tim, có rung nhĩ. Các trường hợp bệnh nhân đã có huyết khối trong buồng tim, sử dụng heparin có trọng lượng phân tử thấp và/hoặc kháng vitamin K .
-
Nên sử dụng thận trọng các thuốc chống loạn nhịp vì hầu hết các thuốc này làm giảm sức co bóp của cơ tim:
-
Việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như corticoid vẫn chưa có sự thống nhất về tác dụng của. Tuy nhiên trên thực tế, các thuốc này vẫn được sử dụng và cho kết quả khá tốt, nên cân nhắc trước khi sử dụng các thuốc này.
2. Biện pháp can thiệp, phẫu thuật
-
Trong trường hợp có sốc tim, sử dụng thiết bị hỗ trợ thất để tạm thời hỗ trợ tuần hoàn nếu cần.
-
Ghép tim là phương pháp làm giảm tỷ lệ tử vong, tuy nhiên còn nhiều vấn đề như khả năng chống lại thải ghép và nguồn cho tim.
3. Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt
Chú ý cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân, đặc biệt là các yếu tố vi lượng cần thiết và vitamin B1. Bệnh nhân nên ăn chế độ ăn nhạt và tránh gắng sức.
Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.