Biện pháp trị Rung nhĩ và phác đồ điều trị Bệnh Rung nhĩ là gì?
1. Điều trị nội khoa
Các thuốc điều trị rung nhĩ:
-
Thuốc chẹn beta: có tác dụng làm chậm nhịp tim.
-
Thuốc chặn canxi: giúp kiểm soát nhịp tim. Cần thận trọng khi sử dụng cho những trường hợp huyết áp thấp hoặc suy tim.
-
Digoxin: có thể kiểm soát nhịp tim nhưng chỉ trong khi nghỉ ngơi. Muốn kiểm soát nhịp tim kể cả khi hoạt động, bệnh nhân cần các loại thuốc bổ sung hoặc thay thế (thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi).
-
Thuốc chống loạn nhịp tim: kiểm soát nhịp tim, duy trì nhịp tim bình thường. Tuy nhiên, nhược điểm của thuốc này là có nhiều tác dụng không mong muốn hơn so với các loại thuốc kiểm soát nhịp tim. Vì vậy, thuốc này ít được sử dụng hơn.
-
Thuốc chống đông: làm giảm nguy cơ tổn thương các cơ quan khác hoặc đột quỵ do cục máu đông gây ra. Một số thuốc chống đông được sử dụng cho bệnh nhân rung nhĩ bao gồm các thuốc warfarin, edoxaban, rivaroxaban, apixaban, dabigatran. Nếu sử dụng warfarin, cần thường xuyên làm xét nghiệm máu để theo dõi đáp ứng của bệnh nhân và chỉnh liều phù hợp.
2. Liệu pháp chuyển đổi nhịp tim
Nếu là đợt rung nhĩ đầu tiên, hoặc nếu các triệu chứng rung nhĩ gây khó chịu, bác sĩ có thể thiết lập lại nhịp tim bằng cách sử dụng thủ thuật chuyển nhịp tim. Thủ thuật chuyển nhịp tim được thực hiện theo hai cách:
-
Sốc điện: gửi các cú sốc điện đến tim qua điện cực đặt trên ngực, từ đó giúp thiết lập lại nhịp tim.
-
Thuốc chống loạn nhịp: sử dụng thuốc qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch để thiết lập lại nhịp tim.
Chuyển đổi nhịp tim có thể tiến hành trong các tình huống khẩn cấp và thường được thực hiện tại bệnh viện theo lịch trình. Nếu diễn ra theo lịch, bệnh nhân thường được sử dụng thuốc chống đông vài tuần trước khi thực hiện để làm giảm nguy cơ đông máu và đột quỵ.
Sau khi chuyển nhịp bằng sốc điện, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc chống loạn nhịp nhằm phòng ngừa các đợt rung nhĩ trong tương lai. Lưu ý: ngay cả khi người bệnh dùng thuốc đúng hướng dẫn, vẫn có khả năng xuất hiện đợt rung nhĩ khác.
3. Phương pháp khác
Các phương pháp sau được áp dụng ở các cơ sở có Tim mạch can thiệp.
-
Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn: được chỉ định khi nhịp thất bị chậm hoặc khi bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên.
Hình ảnh máy tạo nhịp vĩnh viễn
-
Triệt phá rung nhĩ qua ống thông.
-
Phẫu thuật (áp dụng tại cơ sở có trung tâm mổ tim): thường chỉ được thực hiện trong khi tiến hành các cuộc phẫu thuật khác ở bệnh nhân (ví dụ khi mổ làm cầu nối, mổ thay van tim,...).
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.