Block nhĩ thất là bệnh gì?
Block nhĩ thất là bệnh lý trong đó sự dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, biểu hiện trên điện tâm đồ là kéo dài khoảng PR. Ở bệnh nhân Block nhĩ thất, vị trí tắc nghẽn của sự dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất có thể tại bó His hoặc nút nhĩ thất. Tùy vào mức độ tắc nghẽn, người ta chia block nhĩ thất thành 3 độ I, II và III.
Nguyên nhân nào gây Bệnh Block nhĩ thất?
Có nhiều nguyên nhân gây ra sự tắc nghẽn dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Các nguyên nhân phổ biến gây block nhĩ thất gồm:
-
Do ảnh hưởng của một số loại thuốc: Digoxin, chẹn beta giao cảm, chẹn kênh Canxi, một số loại thuốc chống loạn nhịp.
-
Bệnh tim thiếu máu cục bộ: bệnh động mạch vành mạn tính, nhồi máu cơ tim cấp.
-
Thoái hoá đường dẫn truyền nhĩ thất tiên phát: bệnh Lenegre.
-
Bệnh tim bẩm sinh: block nhĩ thất hoàn toàn bẩm sinh, thông liên nhĩ lỗ thứ nhất, đảo gốc các động mạch lớn.
-
Bệnh van tim
-
Bệnh cơ tim: bệnh cơ tim thâm nhiễm, Sarcoidosis, Hemochromatosis.
-
Nhiễm trùng, viêm cơ tim: viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim (bệnh Lyme, thấp tim, Chagas, sởi,…)
-
Rối loạn chuyển hóa: tăng Kali máu, tăng Magie máu.
-
Bệnh nội tiết: Bệnh Addison.
-
Chấn thương: mổ tim, thông tim và điều trị can thiệp (đặc biệt là triệt đốt các đường dẫn truyền bất thường trong tim), điều trị phóng xạ.
-
Bệnh hệ thần kinh tự động: hội chứng xoang cảnh, ngất do cường phế vị.
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Block nhĩ thất là gì?
Tùy theo mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng của block nhĩ thất sẽ khác nhau.
-
Block nhĩ thất độ 1: giai đoạn này, bệnh nhân hầu như không có triệu chứng cụ thể nào. Do đó, rất ít bệnh nhân phát hiện ra bệnh trừ các trường hợp đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện
-
Block nhĩ thất độ 2: giai đoạn này, bệnh nhân có một số triệu chứng như chóng mặt và cảm thấy mệt mỏi, có thể ngất xỉu. Một số trường hợp bệnh nhân cảm thấy khó thở và đau ngực trong khoảng thời gian ngắn vài phút. Đây là bệnh nguy hiểm, gây chậm nhịp tim nặng và sẽ tiến triển thành Block nhĩ thất cấp độ III. Một số biến chứng của bệnh như như ngừng tim, suy tim tâm thu, ngất thoáng qua có thể gây tử vong. Do đó, chẩn đoán kịp thời bệnh ở giai đoạn này để tiến hành đặt máy tạo nhịp tim là cần thiết.
-
Block nhĩ thất độ 3: giai đoạn này, tình trạng bệnh nhân đã rất nghiêm trọng, bệnh nhân có đầy đủ triệu chứng như ở block nhĩ thất độ 2 nhưng nghiêm trọng hơn. Đây là cấp độ nghiêm trọng nhất của bệnh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Block nhĩ thất bằng cách nào?
-
Xét nghiệm: nồng độ điện giải (tăng kali máu, tăng magie máu), định lượng nồng độ thuốc (ví dụ: Digitalis) nếu nghi ngờ do độc tính của thuốc. Nồng độ troponin: nếu nghi ngờ nguyên nhân gây block nhĩ thất là do nhồi máu hoặc thiếu máu cục bộ.
-
Điện tâm đồ (ECG): giám sát 24 giờ hoặc hơn.
-
Xét nghiệm điện sinh lý: xác định các rối loạn nhịp tim khác và vị trí block.
-
Siêu âm tim: đánh giá chức năng thất (đặc biệt nếu bệnh nhân cần cấy ghép thiết bị).
-
Kiểm tra khi vận động: đánh giá block nhĩ thất xấu đi hay cải thiện khi tập thể dục.
Biện pháp trị Block nhĩ thất và phác đồ điều trị Bệnh Block nhĩ thất là gì?
1. Điều trị nội khoa
-
Thuốc kháng cholinergic: mục tiêu của việc sử dụng các thuốc kháng cholinergic là giảm trương lực phế vị thông qua việc phong tỏa thụ thể muscarinic, từ đó cải thiện sự dẫn truyền qua nút nhĩ thất. Thuốc kháng cholinergic chỉ hiệu quả khi vị trí block nằm tại nút nhĩ thất. Đối với các bệnh nhân nghi ngờ có block dưới nút, thuốc này không đem lại hiệu quả và có thể làm trầm trọng hơn mức độ block nếu vị trí tắc nghẽn nằm trong bó His trở xuống.
-
Chủ vận thụ thể beta1 hoặc beta 2: Isoproterenol. Thuốc này liên kết và kích thích các thụ thể beta của tim, mạch máu, đường tiêu hóa và cơ trơn và cơ xương. Thuốc làm tăng co bóp cơ tim và nhịp tim.
-
Thuốc vận mạch, chủ vận alpha/beta: đối với những bệnh nhân không ổn định về huyết động bị block nhĩ thất, nên bắt đầu dùng dopamin hoặc dobutamin tiêm tĩnh mạch để cải thiện đồng thời nhịp tim và sức co bóp. Dopamine: dopamine truyền tĩnh mạch thường bắt đầu với liều 3 mcg/kg/phút, có thể tăng lên 20mcg/kg/phút để tăng nhịp tim và huyết áp. Dobutamine: Truyền dobutamine tĩnh mạch thường bắt đầu với liều 5 mcg/kg/phút và có thể tăng lên đến 20mcg/kg/phút.
2. Cấy máy tạo nhịp tim
Cấy máy tạo nhịp tim (hoặc máy khử rung tim nếu bệnh nhân có rối loạn chức năng tâm thất) được chỉ định cho các bệnh nhân block nhĩ thất có triệu chứng và không hồi phục. Bác sĩ sẽ xác định kiểu tạo nhịp và chế độ tạo nhịp tối ưu dựa trên tình trạng block nhĩ thất của bệnh nhân.
3. Chế độ sinh hoạt
Bên cạnh các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cần có lối sống khoa học để góp phần hạn chế diễn biến của bệnh. Bệnh nhân nên ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh và hạn chế các món chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn. Bệnh nhân nên rèn luyện sức khỏe hàng ngày, cố gắng giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì,…Người bệnh cần hạn chế căng thẳng và tránh xa khói thuốc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.