
Chán ăn là bệnh gì?
Chán ăn hay biếng ăn là tình trạng khẩu vị suy giảm, cảm thấy không thèm ăn hoặc hứng thú với bất kỳ món ăn nào, kể cả các món ăn yêu thích. Nguyên nhân gây ra tình trạng chán ăn rất đa dạng. Khi chán ăn, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo như suy dinh dưỡng, sụt cân. Nếu không được điều trị, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng, vì vậy cần tìm ra nguyên nhân để điều trị.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Chán ăn?
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng chán ăn như:
-
Do lối sống: ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, không điều độ dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể. Một số nguyên nhân khác gồm thiếu vận động hoặc vận động quá mức, thiếu ngủ, thừa cân, căng thẳng cảm xúc, tâm trạng buồn chán, sử dụng chất kích thích, rượu bia, chất gây nghiện.
-
Chán ăn có thể gây ra bởi tình trạng nhiễm vi khuẩn, siêu vi, nấm tại bất kì chỗ nào trên cơ thể. Chán ăn có thể là hậu quả của viêm phổi, nhiễm trùng hô hấp trên, viêm dạ dày tá tràng, nhiễm trùng da,... Sau khi các bệnh lý này được điều trị, sự thèm ăn sẽ trở lại.
-
Nguyên nhân về tâm lý: các rối loạn tâm lý có thể gây chán ăn. Sự thèm ăn có xu hướng giảm khi buồn, trầm cảm hay lo lắng. Căng thẳng và chán nản cũng có thể gây ra việc giảm thèm ăn.
-
Một số tình trạng bệnh lý có thể gây ra tình trạng chán ăn: suy thận, suy tim, bệnh gan mạn tính, viêm gan, suy giáp, HIV, sa sút trí tuệ. Các bệnh ung thư cũng có thể gây chán ăn, đặc biệt nếu ung thư ở một số vị trí như ruột, dạ dày, buồng trứng, tụy. Phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu thai kỳ cũng có thể chán ăn.
-
Một số thuốc có thể gây chán ăn như: thuốc giảm ho, một số kháng sinh, thuốc an thần, thuốc hóa trị.
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Chán ăn là gì?
Biểu hiện của chán ăn là không có cảm giác thèm ăn, không có hứng thú với việc ăn uống, ăn không ngon. Trong nhiều trường hợp, chán ăn đi kèm với mệt mỏi, sụt cân. Điều này khiến bạn gầy yếu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Chán ăn bằng cách nào?
Bác sĩ sẽ đo cân nặng, chiều cao và so sánh với thể trạng trung bình. Bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh lý, các thuốc sử dụng và chế độ ăn. Một số câu hỏi bác sĩ thường hỏi gồm:
-
Thời điểm bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
-
Mức độ nặng hay nhẹ.
-
Đã sụt bao nhiêu cân
-
Hoàn cảnh triệu chứng khởi phát.
-
Các triệu chứng kèm theo.
Để tìm ra nguyên nhân chán ăn, có thể cần thực hiện một số xét nghiệm:
-
Siêu âm bụng.
-
Công thức máu.
-
Kiểm tra gan, chức năng thận, tuyến giáp.
-
Chụp X quang dạ dày và ruột non, thực quản.
-
CT scan đầu, bụng, ngực hay chậu
-
Trong một số trường hợp, cần kiểm tra tình trạng thai nghén và tư vấn xét nghiệm HIV. Bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm nước tiểu để tìm ra dấu vết của sử dụng ma túy.
Biện pháp trị Chán ăn và phác đồ điều trị Bệnh Chán ăn là gì?
Biện pháp điều trị chán ăn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này:
-
Nếu nguyên nhân là do ung thư hoặc bệnh mạn tính, rất khó để kích thích sự thèm ăn. Tuy nhiên, việc nấu các món ăn ưa thích, ăn chung cùng với gia đình và bạn bè hoặc đi ăn ở nhà hàng có thể khuyến khích sự thèm ăn hơn. Tập thể dục nhẹ nhàng có thể làm tăng sự thèm ăn. Hoặc có thể chỉ tập trung ăn một bữa ăn lớn trong ngày, ăn những bữa nhỏ xen kẽ.
-
Việc có một cuốn nhật ký ghi lại những gì ăn uống trong vài ngày tới một tuần là rất hữu ích. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá mức độ chán ăn và lượng chất dinh dưỡng hấp thu.
-
Nếu chán ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, có thể cung cấp các chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc để kích thích sự thèm ăn của. Bác sĩ cũng có thể mời bạn đến khám ở chuyên khoa về sức khỏe tâm thần nếu chán ăn là hậu quả của rối loạn ăn uống, chứng trầm cảm hoặc sử dụng ma túy.
-
Chán ăn gây ra do thuốc có thể được điều trị bằng cách thay đổi liều dùng thuốc hoặc đổi thuốc. Lưu ý không được tự ý đổi thuốc khi không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Một số biện pháp hỗ trợ:
-
Uống vitamin tổng hợp hàng ngày.
-
Trong bữa ăn, hạn chế uống nhiều chất lỏng vì chất lỏng tạo cảm giác no, từ đó hạn chế lượng thức ăn có thể ăn. Nên uống chất lỏng giữa các bữa ăn hoặc trước khi ăn khoảng 30 phút.
-
Chuẩn bị các món ăn yêu thích.
-
Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày 10-20 phút. Đi dạo trước bữa ăn sẽ kích thích sự thèm ăn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.