Áp-xe gan là bệnh gì?
Áp xe gan là hiện tượng ổ mủ hình thành trong gan, nguyên nhân do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng. Áp xe gan là bệnh nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân nào gây Bệnh Áp-xe gan?
Các nguyên nhân gây áp xe gan thường gặp là:
-
Vi khuẩn: đặc biệt là nhóm vi khuẩn đường ruột, thường do tổn thương trực tiếp hay từ đường máu. Đa số ổ áp xe do vi khuẩn thường nằm ở thuỳ gan bên phải.
-
Amip: là tác nhân thường gặp ở nước nhiệt đới như Việt Nam. Áp xe gan do amip thường gặp ở những người ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, dùng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, ăn rau sống chưa được rửa sạch.
-
Nấm: nguyên nhân thường gặp là Candida.
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Áp-xe gan là gì?
Áp xe gan là bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ biến chứng và tử vong cao. Ở giai đoạn đầu - thời điểm vàng để điều trị, bệnh nhân thường không có triệu chứng rõ ràng. Đến khi xuất hiện các triệu chứng, bệnh thường đã tiến triển nặng. Lúc này, bệnh thường nguy hiểm và tiến triển rất nhanh.
Các triệu chứng của áp xe gan gồm:
-
Sốt cao, rét run: bệnh nhân có thể sốt cao 39 - 40 độ C và đau bụng kèm theo trong giai đoạn cấp tính.
-
Đau tức vùng hạ sườn phải: áp xe làm gan sưng to, khiến bệnh nhân đau tức, có cảm giác nặng ở vùng hạ sườn phải. Nếu ổ áp xe gan to cấp tính, có thể đau mở rộng ra vùng thượng vị hoặc khắp bụng. Khi kích thước gan lớn sẽ đẩy cơ hoành lên cao, bệnh nhân sẽ có triệu chứng khó thở kèm theo.
-
Đau khi ấn kẽ sườn: đây là kĩ thuật dùng để phát hiện và đánh giá triệu chứng của áp xe gan. Khi sờ vào vùng gan của bệnh nhân, cơn đau tăng lên, có thể sờ thấy mép của bờ gan do gan sưng to. Khi gõ thấy tiếng đục rõ.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Áp-xe gan bằng cách nào?
Ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng sau để chẩn đoán áp xe gan:
-
Xét nghiệm máu: bạch cầu có thể tăng, thời gian máu lắng tăng, CRP (protein phản ứng C) tăng.
-
Xét nghiệm huyết thanh: phản ứng ELISA giúp chẩn đoán áp xe gan do amip. Trường hợp huyết thanh âm tính, sau 1 tuần nên thực hiện lại.
-
Siêu âm: thấy hình ảnh giảm âm, hình bầu dục hoặc tròn. Nếu mủ càng loãng, hình ảnh giảm âm càng rõ và có thể trống âm.
-
X quang: cơ hoành bên phải di động kém, bị đẩy cao, có thể kèm tràn dịch màng phổi bên phải.
-
Chụp cắt lớp vi tính: giúp xác định vị trí của ổ áp xe và phân biệt với các tổn thương khác như ung thư gan.
-
Chọc hút ổ áp xe: khi chưa chẩn đoán chắc chắn hoặc áp xe gan sắp vỡ. Nếu có mủ màu không mùi và nâu sậm, cấy mủ có thể tìm thấy amip, không tìm thấy vi khuẩn.
Biện pháp trị Áp-xe gan và phác đồ điều trị Bệnh Áp-xe gan là gì?
Sau khi xác định tình trạng bệnh và nguyên nhân gây bệnh, bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
1. Điều trị nội khoa
-
Nếu nguyên nhân gây áp xe gan là do amip, bệnh nhân được chỉ định một số loại thuốc như thuốc diệt Amip dạng kén ở ruột (ví dụ như Intetrix), các thuốc nhóm imidazole, chloroquine, Emetine,.
-
Nếu nguyên nhân gây áp xe gan là do vi khuẩn, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh như: Ampicillin, Ceftazidime, Ceftriaxone,…
2. Chọc hút, dẫn lưu ổ áp xe
Chỉ định chọc hút cho các trường hợp bệnh nhân sau:
-
Chưa chẩn đoán xác định áp xe gan hoặc chưa chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây áp xe gan.
-
Ổ áp xe lớn (đường kính ổ áp xe >= 5cm).
-
Ổ áp xe có nguy cơ vỡ.
-
Bệnh nhân phát hiện áp xe gan muộn trên 3 tháng.
-
Ngăn ổ áp xe gan thùy trái vỡ, dịch mủ vào màng tim.
Lưu ý: chọc hút, dẫn lưu ổ áp xe phải được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.