Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Suy thận cấp là gì?
1. Giai đoạn khởi phát
Bệnh khởi phát trong vòng 1 ngày, là giai đoạn tấn công của các tác nhân gây bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường không có triệu chứng lâm sàng.
2. Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu
Giai đoạn này kéo dài khoảng 7 – 14 ngày. Số lượng nước tiểu có thể giảm dần từ từ, bệnh nhân đái ít dần rồi vô niệu hoặc vô niệu xảy ra đột ngột. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể có các triệu chứng:
-
Phù: Đặc điểm là phù trắng, mềm, ấn lõm, phù toàn thân. Có thể gây phù phổi cấp, suy tim cấp, phù não.
Phù ở bệnh nhân suy thận cấp là phù trắng, mềm, ấn lõm
-
Tăng kali máu: dẫn tới yếu cơ, liệt cơ, rối loạn nhịp tim, thậm chí ngừng tim khi nồng độ kali máu >6,5 mmol/L.
-
Tăng ure, creatinin gây ra hội chứng ure máu cao. Hội chứng này gồm các triệu chứng đau đầu, hôn mê, buồn nôn/nôn, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng.
-
Nhiễm toan chuyển hóa (pH máu giảm <7,2): tình trạng này có thể dẫn tới hôn mê, tử vong.
-
Acid uric máu tăng.
3. Giai đoạn đái trở lại
Giai đoạn này kéo dài khoảng 5-7 ngày. Lượng nước tiểu tăng dần từ 200-300ml/24 giờ đến 2-3l/24 giờ, có thể lên tới 4-5l/24 giờ. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có nguy cơ mất nước, điện giải. Cần có biện pháp phù hợp để bù nước và điện giải cho bệnh nhân.
4. Giai đoạn hồi phục
Thời gian hồi phục có thể rất khác nhau tùy theo nguyên nhân gây suy thận cấp. Giai đoạn này trung bình kéo dài khoảng 4 tuần. Số lượng nước tiểu, ure, creatinin máu và nước tiểu về lại bình thường. Tuy nhiên khả năng cô đặc nước tiểu của thận có khi mất hàng năm mới hồi phục hoàn toàn. Mức lọc cầu thận thường sau 2 tháng có thể trở về bình thường.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.