Bệnh Lý » Bệnh » Bệnh Thận-Tiết niệu » Suy thận cấp

Suy thận cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng-điều trị

Suy thận cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng (dấu hiệu nhận biết-biểu hiện), xét nghiệm-chẩn đoán và biện pháp phác đồ điều trị khi bị Suy thận cấp. Phân loại Bệnh Suy thận cấp có mấy loại? Ngoài ra, các thông tin khác bổ sung về Bệnh Suy thận cấp bao gồm: Cách phòng ngừa, các giai đoạn Bệnh Suy thận cấp, những biến chứng thường gặp và đối tượng nguy cơ mắc Bệnh Suy thận cấp. Và những điều cần biết khác về Suy thận cấp. Tìm hiểu xem Bệnh Suy thận cấp có nguy hiểm không? Suy thận cấp có lây không? Suy thận cấp có di truyền không?

Suy thận cấp

Suy thận cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, xét nghiệm và chẩn đoán. Biện pháp điều trị Suy thận cấp

Suy thận cấp là bệnh gì?

Suy thận cấp là tình trạng giảm chức năng thận một cách đột ngột và kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày. Suy thận cấp có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Bệnh nhân suy thận cấp có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị phù hợp.

Suy thận cấp là bệnh gì?

Nguyên nhân nào gây Bệnh Suy thận cấp?

1. Suy thận cấp trước thận

Suy thận cấp trước thận chiếm 55-60% tổng số ca suy thận cấp. Nguyên nhân là do thiếu máu đến thận:

  • Mất nước điện giải: nôn, tiêu chảy cấp (qua đường tiêu hóa), sốt cao, bỏng (qua da), dùng thuốc lợi tiểu liều cao, đa niệu do đái tháo đường, suy thượng thận.

  • Mất máu do chấn thương lớn, phẫu thuật.

  • Sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, sốc quá mẫn gây giãn mạch, tăng tính thấm, thoát huyết tương.

  • Bệnh lý gây giảm thể tích tuần hoàn: hội chứng thận hư, xơ gan.

2. Suy thận cấp tại thận

Suy thận cấp tại thận chiếm khoảng 35-40% tổng số ca suy thận cấp. Nguyên nhân là do các bệnh lý tại thận.

  • Các bệnh lý cầu thận cấp: viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu, viêm cầu thận lupus,...

  • Các bệnh lý ống kẽ thận cấp (còn gọi là hoại tử ống thận cấp). Nguyên nhân có thể do nhiễm độc: mật cá trắm, nọc độc rắn, thuốc cản quang, thuốc gây mê, thuốc chống ung thư, kháng sinh (aminoglycosid, cephalosporin). Hoặc do tan máu cấp tính do truyền nhầm nhóm máu, sốt rét ác tính,... hoặc do tiêu cơ vân cấp tính.

  • Các bệnh lý mạch máu tổn thương thận: Tắc mạch thận, viêm nút quanh động mạch, viêm mạch dị ứng, chấn thương thận,...

3. Suy thận cấp sau thận

  • Sỏi đường tiết niệu (sỏi bàng quang, sỏi niệu quản).

Suy thận cấp Nguyên nhân

Sỏi đường tiết niệu là một trong những nguyên nhân gây suy thận cấp sau thận

  • Khối u ở hệ tiết niệu thấp/vùng hạ vị: u bàng quang, u niệu quản, u tiền liệt tuyến, u buồng trứng.

  • Lao thận tiết niệu, giang mai.

  • Dị dạng tiết niệu: Thận móng ngựa.

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Suy thận cấp là gì?

1. Giai đoạn khởi phát

Bệnh khởi phát trong vòng 1 ngày, là giai đoạn tấn công của các tác nhân gây bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường không có triệu chứng lâm sàng.

2. Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu

Giai đoạn này kéo dài khoảng 7 – 14 ngày. Số lượng nước tiểu có thể giảm dần từ từ, bệnh nhân đái ít dần rồi vô niệu hoặc vô niệu xảy ra đột ngột. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể có các triệu chứng: 

  • Phù: Đặc điểm là phù trắng, mềm, ấn lõm, phù toàn thân. Có thể gây phù phổi cấp, suy tim cấp, phù não.

Suy thận cấp Triệu chứng

Phù ở bệnh nhân suy thận cấp là phù trắng, mềm, ấn lõm

  • Tăng kali máu: dẫn tới yếu cơ, liệt cơ, rối loạn nhịp tim, thậm chí ngừng tim khi nồng độ kali máu >6,5 mmol/L.

  • Tăng ure, creatinin gây ra hội chứng ure máu cao. Hội chứng này gồm các triệu chứng đau đầu, hôn mê, buồn nôn/nôn, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng.

  • Nhiễm toan chuyển hóa (pH máu giảm <7,2): tình trạng này có thể dẫn tới hôn mê, tử vong.

  • Acid uric máu tăng.

3. Giai đoạn đái trở lại

Giai đoạn này kéo dài khoảng 5-7 ngày. Lượng nước tiểu tăng dần từ 200-300ml/24 giờ đến 2-3l/24 giờ, có thể lên tới 4-5l/24 giờ. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có nguy cơ mất nước, điện giải. Cần có biện pháp phù hợp để bù nước và điện giải cho bệnh nhân.

4. Giai đoạn hồi phục

Thời gian hồi phục có thể rất khác nhau tùy theo nguyên nhân gây suy thận cấp. Giai đoạn này trung bình kéo dài khoảng 4 tuần. Số lượng nước tiểu, ure, creatinin máu và nước tiểu về lại bình thường. Tuy nhiên khả năng cô đặc nước tiểu của thận có khi mất hàng năm mới hồi phục hoàn toàn. Mức lọc cầu thận thường sau 2 tháng có thể trở về bình thường.

Biện pháp trị Suy thận cấp và phác đồ điều trị Bệnh Suy thận cấp là gì?

1. Nguyên tắc chung

  • Nhanh chóng phát hiện, loại bỏ các nguyên nhân có thể gây suy thận cấp

  • Điều chỉnh các rối loạn gây ra bởi suy thận cấp. Cố gắng phục hồi số lượng nước tiểu.

  • Phát hiện và nhanh chóng xử lý các biến chứng.

  • Điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh, chỉ định lọc máu ngoài thận khi cần thiết (khi có nguy cơ tử vong: phù phổi cấp, suy tim cấp, tăng Kali, tăng ure, creatinin, tăng huyết áp kịch phát).

2. Điều trị cụ thể:

2.1. Cân bằng nước – điện giải

  • Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu: bù nước theo nguyên tắc lượng nước đưa vào phải ít hơn lượng nước thải ra. Chỉ định lọc máu ngoài thận khi bệnh nhân vô niệu hơn 4 ngày.

  • Giai đoạn đái trở lại: Bù nước – điện giải bằng uống oresol và truyền dịch.

2.2. Chống toan máu

  • Tiêm/truyền tĩnh mạch NaHCO3 8,4 %, 1,4%.

  • Lọc máu ngoài thận khi pH máu <7,2.

2.3. Điều trị tăng huyết áp

Điều trị tăng huyết áp bằng các nhóm thuốc hạ huyết áp tùy từng bệnh nhân. Nhóm chẹn kênh canxi an toàn và không làm giảm dòng máu đến thận.

2.4. Hạn chế tăng kali máu

  • Hạn chế đưa kali vào cơ thể: Hạn chế ăn thịt đỏ (bò, trâu, lợn nạc); rau xanh (rau muống, cải xanh, rau ngót); quả vàng (chuối, cam, đu đủ, bí đỏ, nho, ổi…). Hạn chế dùng thuốc, dịch truyền có kali.

  • Loại bỏ các ổ hoại tử, chống nhiễm khuẩn.

  • Dùng lợi tiểu mạnh thải kali: Lợi tiểu quai (Furosemid).

  • Dùng nhựa trao đổi ion như Kayexalate, Resonium A (nhựa gắn ion Na+).

  • Dùng Glucose  ưu trương (20%, 30%, 50%) kết hợp 10 UI Insulin nhanh tiêm tĩnh mạch.

  • Dùng canxi gluconat hoặc clorua tiêm tĩnh mạch khi bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tim mạch nặng. Có thể tiêm nhắc lại 30 phút 1 lần, liều dùng phụ thuộc vào nồng độ kali máu của bệnh nhân.

  • Chỉ định lọc máu cấp cứu ngoài thận khi nồng độ kali máu > 6,5 mmol/L.

2.5. Hạn chế tăng ure máu

  • Chế độ ăn: giảm đạm 0,4g/kg/ngày.

  • Loại bỏ các ổ hoại tử, chống nhiễm khuẩn bằng cách sử dụng kháng sinh liều cao.

  • Bổ sung viên Ketosteril (keto acid trong thuốc lấy ure máu chuyển thành acid amin).

  • Lọc máu ngoài thận khi ure máu > 35 mmol/L, creatinin máu > 600μmol/L.

2.6. Chỉ định lọc máu ngoài thận

Lọc máu ngoài thận được chỉ định cho các đối tượng sau:

  • Vô niệu hơn 4 ngày

  • Toan chuyển hóa, pH máu < 7,2

  • Kali máu > 6,5 mmol/L

  • Ure máu > 35 mmol/L

  • Giảm natri máu trầm trọng, natri máu < 120 mmol/lít

  • Creatinin máu > 600μmol/L

  • Đe dọa phù phổi cấp, quá tải tuần hoàn.

  • Viêm màng ngoài tim

  • Biểu hiện thần kinh: lú lẫn, hôn mê, co giật

  • Thiểu niệu không đáp ứng với thuốc lợi tiểu

Suy thận cấp Cách điều trị

Lọc máu ngoài thận được chỉ định cho một số đối tượng bệnh nhân suy thận

3. Dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận cấp

  • Ưu tiên dinh dưỡng đường miệng nếu bệnh nhân có thể tự ăn uống được và không có tình trạng nôn nhiều. Tùy từng đối tượng bệnh nhân và từng giai đoạn bệnh sẽ áp dụng chế độ ăn khác nhau.

  • Bổ sung các vitamin hòa tan, khoáng chất, acid folic, bù magie, canxi.

  • Trong khẩu phần ăn, tỷ lệ carbohydrat chiếm 50-80%.

  • Cung cấp thêm các acid béo thiết yếu như omega 3.

  • Hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể, nên hạn chế ở mức 2-4 gam natri một ngày, kể cả lượng muối trong dịch truyền.

Biến chứng của Bệnh Suy thận cấp?

Bệnh nhân suy thận cấp có thể gặp một số biến chứng nghiêm trọng:

  • Tim mạch: Tình trạng thừa dịch nặng cùng tăng huyết áp có thể gây suy tim trong giai đoạn thiểu niệu/vô niệu. Tình trạng tăng kali máu có thể gây rối loạn nhịp tim, nặng có thể gây ngừng tim. Có thể có viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng tim, nhồi máu cơ tim

  • Thần kinh: hội chứng tăng ure máu gây rối loạn thần kinh cơ, có thể co giật, hôn mê.

  • Tiêu hóa: có thể gặp viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày ruột. Đây là biến chứng rất nặng và làm tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

  • Rối loạn chuyển hóa: Bệnh nhân rất dễ bị mất nước và rối loạn điện giải, giảm chuyển hóa insulin, suy dinh dưỡng.

  • Nhiễm trùng: Bệnh nhân có thể bội nhiễm phổi, đường tiết niệu, vết thương ngoài da, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết.

Biến chứng của Bệnh Suy thận cấp?

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.

Cập nhật: 04/11/2023 11:05