Bệnh Lý » Bệnh » Bệnh Thận-Tiết niệu » Sỏi thận

Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng-điều trị

Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng (dấu hiệu nhận biết-biểu hiện), xét nghiệm-chẩn đoán và biện pháp phác đồ điều trị khi bị Sỏi thận. Phân loại Bệnh Sỏi thận có mấy loại? Ngoài ra, các thông tin khác bổ sung về Bệnh Sỏi thận bao gồm: Cách phòng ngừa, các giai đoạn Bệnh Sỏi thận, những biến chứng thường gặp và đối tượng nguy cơ mắc Bệnh Sỏi thận. Và những điều cần biết khác về Sỏi thận. Tìm hiểu xem Bệnh Sỏi thận có nguy hiểm không? Sỏi thận có lây không? Sỏi thận có di truyền không?

Sỏi thận

Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, xét nghiệm và chẩn đoán. Biện pháp điều trị Sỏi thận

Sỏi thận là bệnh gì?

Sỏi thận là những viên sỏi rắn hình thành từ tinh thể khoáng chất hoà tan trong nước tiểu. Sỏi thận là bệnh lý thường gặp ở đường tiết niệu, gặp ở nam nhiều hơn nữ. 

Chế độ ăn uống không hợp lý, nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh sống ở vùng vùng nhiệt đới,... là những yếu tố thuận lợi để bệnh dễ phát sinh. Sỏi thận tiết niệu có thể là sỏi calcium, sỏi oxalat, sỏi phosphat, sỏi acid uric hoặc sỏi Cystin

Sỏi thận là bệnh gì?

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Sỏi thận là gì?

1. Sỏi đường tiết niệu trên.

Gồm sỏi thận, bể thận, niệu quản. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Cơn đau quặn thận: xuất hiện đột ngột, sau khi gắng sức, đau khởi phát ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước và xuống dưới. Thường đau cường độ mạnh, không có tư thế giảm đau. 

Sỏi thận Triệu chứng

Cơn đau quặn thận ở bệnh nhân sỏi thận

  • Các triệu chứng kèm theo cơn đau quặn thận là nôn mửa, buồn nôn, chướng bụng nguyên nhân do liệt ruột. Có thể có sốt cao, rét run nếu có nhiễm trùng kết hợp.

  • Khám thấy điểm sườn lưng đau. Ấn các điểm niệu quản đau, có thể thấy thận lớn.

Chú ý rằng kích thước hay số lượng sỏi không có mối liên quan với việc xuất hiện và cường độ đau của cơn đau quặn thận. Một số trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng như đau ê ẩm vùng thắt lưng một bên hoặc cả hai bên.

2. Sỏi đường tiết niệu dưới.

Gồm sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo. Các triệu chứng bao gồm:

  • Sỏi bàng quang gây kích thích niêm mạc bàng quang dẫn tới tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu láu, tiểu tắc giữa dòng. Khám ấn điểm bàng quang đau.

  • Sỏi niệu đạo gây bí tiểu. Khám lâm sàng thường phát hiện cầu bàng quang, sờ nắn dọc niệu đạo có thể thấy sỏi.

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Sỏi thận bằng cách nào?

  • Xét nghiệm nước tiểu: có nhiều bạch cầu, hồng cầu. Khi có biến chứng nhiễm trùng, có thể thấy vi khuẩn khi ly tâm, soi và nhuộm Gram. Có thể thấy tinh thể Phosphat, Oxalat, Calci. Khi có nhiễm trùng niệu, pH sẽ tăng trên 6.5. 

  • Siêu âm: là xét nghiệm thường được chỉ định đầu tiên khi nghi ngờ có sỏi hệ tiết niệu. Vì phương pháp này rẻ tiền, đơn giản, không xâm nhập và có thể tiến hành nhiều lần mà không có hại cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp bệnh nhân có sỏi không triệu chứng được phát hiện tình cờ khi siêu âm bụng vì một lý do khác hoặc siêu âm kiểm tra thường quy.

Sỏi thận Xét nghiệm và chẩn đoán

Siêu âm là phương pháp thường được chỉ định khi nghi ngờ sỏi thận tiết niệu

  • X quang bụng: xác định vị trí sỏi cản quang, cho biết số lượng, kích thước và hình dáng của sỏi. 

  • Chụp hệ tiết niệu qua đường tĩnh mạch (UIV): quan sát được hình dáng của thận, niệu quản, đài bể thận, vị trí của sỏi trong đường tiết niệu.

  • Chụp X quang niệu quản thận ngược dòng phát hiện sỏi không cản quang và có giá trị trong trường hợp thận câm trên phim UIV.

  • Soi bàng quang: thường dùng để nội soi can thiệp lấy sỏi, ít dùng để chẩn đoán.

Biện pháp trị Sỏi thận và phác đồ điều trị Bệnh Sỏi thận là gì?

1. Điều trị nội khoa

Điều trị cơn đau quặn thận nguyên nhân do sỏi:

  • Giảm uống nước khi đang có cơn đau quặn thận

  • Giảm đau: các thuốc kháng viêm không Steroid thường có tác dụng tốt. Nếu không có hiệu quả, cân nhắc sử dụng Morphin cho bệnh nhân.

  • Giãn cơ trơn: sử dụng Buscopan, Drotaverin,... tiêm tĩnh mạch

  • Chỉ định kháng sinh nếu bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng.

  • Giải quyết các nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản (sỏi, dị dạng đường niệu). Một số trường hợp bệnh nhân có cơn đau quặn thận không đáp ứng với điều trị nội khoa thì cần chỉ định phẫu thuật sớm để giải quyết tắc nghẽn. Tùy theo tình trạng bệnh nhân, số lượng, kích thước sỏi, tình trạng và chức năng thận để quyết định dẫn lưu bể thận qua da hay mổ cấp cứu để lấy sỏi.

2. Điều trị ngoại khoa

2.1. Tán sỏi ngoài cơ thể

Đây là kỹ thuật sử dụng sóng xung kích tập trung tại vị trí có sỏi để tán vỡ chúng, vụn sỏi sau đó sẽ theo dòng nước tiểu ra ngoài. Đây là phương pháp không xâm lấn, không mổ nên bệnh nhân không cảm thấy đau đớn. Thời gian điều trị và thời gian hồi phục được rút ngắn.

Sỏi thận Cách điều trị

Tán sỏi ngoài cơ thể

2.2. Tán sỏi qua da

Đây là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu thông qua đường hầm nhỏ khoảng 5mm chạy từ ngoài da vùng lưng hoặc hông lưng đi vào trong thận hoặc vị trí có sỏi. Sau đó đưa máy nội soi và dây laser vào và tán vỡ sỏi. Tán sỏi qua da chỉ can thiệp với vết mổ 5mm nên hạn chế tối đa xâm lấn, vết mổ nhỏ nên không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, không để lại sẹo sau điều trị. Phương pháp này có thời gian điều trị và phục hồi nhanh.

2.3. Tán sỏi nội soi lội ngược dòng

Đây là kỹ thuật đi từ niệu đạo lên bàng quang, niệu quản, thận… để tiếp cận và tán vỡ sỏi. Phương pháp này được đánh giá là an toàn, thay thế cho mổ mở truyền thống. Khi thực hiện, người bệnh không đau, không có vết mổ và không để lại sẹo. 

Bệnh Sỏi thận có mấy giai đoạn?

Viên sỏi sau khi được hình thành, nếu còn nhỏ thì thường đi theo đường nước tiểu và ra ngoài. Nhưng nếu viên sỏi vướng lại ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiết niệu, thì viên sỏi sẽ lớn dần, gây cản trở lưu thông của nước tiểu. Dẫn đến phía trên chỗ tắc bị ứ đọng và dãn phình và gây ra các biến chứng: tắc nghẽn, nhiễm trùng, phát sinh thêm các viên sỏi khác, phá hủy dần cấu trúc thận.

Khi viên sỏi bị vướng lại ở đường tiết niệu, nó sẽ ảnh hưởng đến đường tiết niệu qua 3 giai đoạn:

1. Giai đoạn chống đối

Đường tiết niệu phía trên viên sỏi sẽ tăng cường co bóp để tống viên sỏi ra ngoài. Niệu quản và bể thận ở phía trên viên sỏi giai đoạn này chưa bị giãn nở. Ở đài bể thận có sự tăng áp lực đột ngột gây ra cơn đau quặn thận.  Ở giai đoạn này, trên lâm sàng người bệnh thường có những cơn đau quặn thận điển hình.

2. Giai đoạn giãn nở

Thông thường, sau khoảng 3 tháng nếu viên sỏi không di chuyển được thì niệu quản và bể thận, đài thận phía trên viên sỏi sẽ bị giãn nở, nhu động của niệu quản bị giảm.

3. Giai đoạn biến chứng

Viên sỏi nằm lâu ngày sẽ không di chuyển được vì bám dính vào niêm mạc. Bên cạnh đó niệu quản trở nên xơ dày, có thể bị hẹp lại. Chức năng thận sẽ bị giảm dần, nếu có nhiễm trùng thì thận ứ nước, ứ mủ. Sỏi trong đường tiết niệu là yếu tố thuận lợi cho nhiễm trùng tái diễn, lâu ngày sẽ dẫn đến viêm thận bể thận mạn tính và suy thận mạn. Bệnh nhân có thể vô niệu khi có sỏi niệu quản hai bên.

Bệnh Sỏi thận có mấy giai đoạn?

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.

Cập nhật: 25/08/2023 07:37