Bệnh Lý » Bệnh » Bệnh Thận-Tiết niệu » Hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư là gì? Nguyên nhân, triệu chứng-điều trị

Hội chứng thận hư là gì? Nguyên nhân, triệu chứng (dấu hiệu nhận biết-biểu hiện), xét nghiệm-chẩn đoán và biện pháp phác đồ điều trị khi bị Hội chứng thận hư. Phân loại Bệnh Hội chứng thận hư có mấy loại? Ngoài ra, các thông tin khác bổ sung về Bệnh Hội chứng thận hư bao gồm: Cách phòng ngừa, các giai đoạn Bệnh Hội chứng thận hư, những biến chứng thường gặp và đối tượng nguy cơ mắc Bệnh Hội chứng thận hư. Và những điều cần biết khác về Hội chứng thận hư. Tìm hiểu xem Bệnh Hội chứng thận hư có nguy hiểm không? Hội chứng thận hư có lây không? Hội chứng thận hư có di truyền không?

Hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, xét nghiệm và chẩn đoán. Biện pháp điều trị Hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư là bệnh gì?

Hội chứng thận hư là một tình trạng bệnh lý trong đó thận bị tổn thương gây thoát protein từ máu ra nước tiểu. Bệnh đặc trưng bởi phù, protein niệu cao, protein máu giảm, rối loạn lipid máu.

Hội chứng thận hư là bệnh gì?

Nguyên nhân nào gây Bệnh Hội chứng thận hư?

Người ta chia hội chứng thận hư thành 2 nhóm theo nguyên nhân gây bệnh như sau: 

  • Nguyên nhân là các bệnh lý cầu thận nguyên phát: Hội chứng thận hư nguyên phát, 

  • Nguyên nhân là các bệnh lý khác: Hội chứng thận hư thứ phát

1. Hội chứng thận hư nguyên phát

Hội chứng thận hư nguyên phát được gây ra bởi các nguyên nhân bao gồm:

  • Bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây hội chứng thận hư ở trẻ em.

  • Viêm cầu thận màng. Đây là nguyên nhân gây hội chứng thận hư thường gặp nhất ở người trưởng thành tại các nước đang phát triển.

  • Xơ hóa cầu thận ổ, cục bộ.

  • Viêm cầu thận màng tăng sinh.

  • Viêm cầu thận tăng sinh gian mạch.

  • Viêm cầu thận tăng sinh ngoại mạch.

  • Bệnh thận IgA.

2. Hội chứng thận hư thứ phát

Nhóm nguyên nhân gây hội chứng thận hư thứ phát thường gặp bao gồm:

  • Các bệnh lý di truyền, ví dụ như bệnh hồng cầu hình liềm, hội chứng thận hư bẩm sinh.

  • Các bệnh lý chuyển hóa, ví dụ như bệnh thoái hóa bột, đái tháo đường.

  • Các bệnh lý tự miễn, ví dụ như viêm mạch, lupus ban đỏ hệ thống.

  • Các bệnh ác tính, như đa u tủy xương, ung thư phổi, dạ dày, đại tràng,...

  • Các bệnh nhiễm trùng, như nhiễm vi khuẩn (viêm nội tâm mạc, giang mai, lao), virus (HIV, viêm gan B, C), kí sinh trùng (sốt rét, sán máng).

  • Các nguyên nhân khác, như thuốc, độc tố, có thai, thải ghép.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Hội chứng thận hư?

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Hội chứng thận hư là gì?

Bệnh nhân thường đến viện với triệu chứng phù tăng nhanh trong vài ngày hoặc vài tuần, mệt mỏi, chán ăn, cảm giác yếu và đôi khi có đau bụng. 

Sau đây là một số triệu chứng gặp ở bệnh nhân mắc hội chứng thận hư.

1. Phù

Đây là triệu chứng gặp ở phần lớn các bệnh nhân mắc hội chứng thận hư. Đầu tiên, bệnh nhân phù ở mặt và hai chân, sau đó phù toàn thân. Phù trắng, mềm, không đau. Một số bệnh nhân có thể có phù não, tràn dịch đa màng.

Hội chứng thận hư Triệu chứng

Phù là triệu chứng gặp ở phần lớn các bệnh nhân mắc hội chứng thận hư

2. Đái ít 

Là triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân thận hư. Thể tích nước tiểu thường dưới 500ml/ngày.

3. Tăng huyết áp, đái máu, suy thận cấp 

Những tình trạng này có thể gặp ở một số ít bệnh nhân thận hư.

4. Thiếu máu

Một số bệnh nhân có thiếu máu. Nguyên nhân có thể do suy dinh dưỡng vì mất nhiều protein qua nước tiểu kéo dài, suy giảm chức năng thận và mất protein mang nguyên liệu để sản xuất hồng cầu.

5. Xét nghiệm nước tiểu

  • Protein niệu cao, trên 3,5g/24giờ/1,73m2. Ở một số bệnh nhân, protein niệu có thể rất cao, lên đến 30-40g/24 giờ.

  • Có thể thấy hồng cầu và trụ mỡ trong nước tiểu. 

  • Natri niệu giảm.

6. Xét nghiệm máu

  • Albumin máu giảm, dưới 30g/lít. Protein máu giảm dưới 60g/lít. Ở những bệnh nhân có phù to tăng nhanh, albumin máu thường giảm mạnh. 

Hội chứng thận hư Triệu chứng

Bệnh nhân hội chứng thận hư có albumin máu < 30g/lít

  • Rối loạn lipid máu: tăng triglycerid máu và cholesterol. Thành phần HDL-C thường ở mức bình thường hoặc giảm. Khi hội chứng thận hư hồi phục, tình trạng rối loạn lipid máu thường được điều chỉnh.

  • Giảm natri máu là rối loạn điện giải thường gặp.

  • Công thức máu: hồng cầu, hematocrit, hemoglobin thường giảm. Tốc độ máu lắng thường tăng. Tuy nhiên trong một số trường hợp có sự tăng số lượng các tế bào máu, do hiện tượng cô đặc máu.

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Hội chứng thận hư bằng cách nào?

Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thận hư bao gồm:

  • Phù

  • Protein niệu > 3,5g/24 giờ/1,73m2 diện tích bề mặt cơ thể

  • Albumin máu giảm dưới 30g/lít, protein máu giảm dưới 60g/lít.

  • Tăng cholesterol máu  ≥ 6.5mmol/lít

  • Trong nước tiểu có trụ mỡ, hạt mỡ lưỡng chiết

Trong các tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn 2 và 3 là bắt buộc để chẩn đoán hội chứng thận hư. Ba tiêu chuẩn 1, 4, 5 có thể có hoặc không.

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Hội chứng thận hư bằng cách nào?

Biện pháp trị Hội chứng thận hư và phác đồ điều trị Bệnh Hội chứng thận hư là gì?

Việc điều trị đối với hội chứng thận hư nguyên phát bao gồm: 

  • Điều trị làm giảm triệu chứng

  • Điều trị đặc hiệu 

  • Điều trị biến chứng nếu có

Điều trị hội chứng thận hư thứ phát phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh lý này.

1. Điều trị triệu chứng

1.1 Giảm phù: 

Bệnh nhân cần ăn nhạt và hạn chế nước. Do bệnh nhân thận hư thường có tình trạng thừa nước và giữ muối trong cơ thể. 

Hội chứng thận hư Cách điều trị

Bệnh nhân hội chứng thận hư cần ăn chế độ ăn giảm muối

Có thể dùng các lợi tiểu quai như furosemid, hydroclorothiazid. Ở một số bệnh nhân, nhóm lợi tiểu có tác dụng đối kháng aldosteron có thể rất hiệu quả. Đối với bệnh nhân có suy thận, lợi tiểu thường dùng là furosemid. Liều dùng được điều chỉnh với mỗi bệnh nhân để đạt lượng nước tiểu như mong muốn.

1.2. Đảm bảo thể tích tuần hoàn hiệu dụng: 

Đối với những bệnh nhân có bằng chứng rõ rệt của tình trạng giảm thể tích tuần hoàn hiệu dụng, cần có biện pháp để bù khối lượng tuần hoàn. Với những bệnh nhân có albumin máu rất giảm, albumin người là dung dịch an toàn và hiệu quả. Nhưng dung dịch này có giá thành cao và có thể gây phù phổi kẽ. Ngoài ra có thể dùng các dung dịch keo, dung dịch muối sinh lý, plasma để bù lại thể tích dịch trong lòng mạch. 

Nếu mất nhiều protein qua nước tiểu (>5g/24 giờ) cần điều chỉnh lượng protein trong khẩu phần ăn hàng ngày đủ bằng nhu cầu protein của cơ thể cộng thêm lượng mất qua nước tiểu mỗi ngày. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các bệnh nhân trẻ 

1.3. Hạ áp: 

Các thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển angiotensin II thường được ưu tiên sử dụng. Ngoài ra có thể dùng các thuốc ức chế thụ thể angiotensin II và các nhóm thuốc hạ áp khác nếu chưa đạt mức huyết áp cần thiết.

1.4.  Điều trị rối loạn lipid máu: 

Quan điểm về điều trị tình trạng rối loạn lipid máu ở bệnh nhân thận hư còn chưa hoàn toàn thống nhất. Việc điều trị có thể mang lại lợi ích nếu bệnh dai dẳng. Các nghiên cứu gần đây nhận thấy bên cạnh việc làm giảm lipid máu, các thuốc nhóm fibrat hay statin đều có tác dụng làm giảm protein niệu. 

1.5. Một số biện pháp điều trị khác:

Sử dụng thuốc chống viêm giảm đau không steroid, thuốc chống kết tập tiểu cầu để dự phòng biến chứng tắc mạch,... có thể được xem xét chỉ định.

2. Điều trị đặc hiệu

2.1. Corticosteroid:

Sử dụng prednisolon, prednison hoặc các thuốc corticoid khác với liều tương đương. Thường dùng cho bệnh nhân thận hư có thay đổi tối thiểu cầu thận, xơ cầu thận ổ, cục bộ và viêm cầu thận tăng sinh gian mạch.

Hội chứng thận hư Cách điều trị

Corticoid là thuốc điều trị đặc hiệu cho hội chứng thận hư

Có 3 giai đoạn điều trị: Giai đoạn tấn công khởi đầu, giai đoạn củng cố và giai đoạn duy trì.

2.2. Các thuốc ức chế miễn dịch khác:

Thường sử dụng cho các đối tượng:

  • Bệnh nhân viêm cầu thận màng có nguy cơ cao (sử dụng đơn độc hay phối hợp với corticoid).

  • Bệnh nhân hay tái phát.

  • Bệnh nhân kháng/phụ thuộc corticoid.

3. Điều trị biến chứng

  • Khi có biến chứng có thể cần phải giảm liều, ngừng thuốc tạm thời hoặc đôi khi ngưng thuốc hoàn toàn. 

  • Những bệnh nhân có tăng đường máu, tăng huyết áp khi dùng corticoid cần được điều trị thuốc phù hợp. 

  • Khi có nhiễm trùng cần giảm liều hoặc tạm ngưng thuốc ức chế miễn dịch và cho kháng sinh phù hợp. 

  • Một số tác dụng không mong muốn của thuốc có thể được chủ động điều trị dự phòng. Như dự phòng loãng xương, dự phòng viêm loét dạ dày tá tràng, điều chỉnh điện giải, uống đủ nước.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.

Cập nhật: 04/11/2023 11:02