Áp-xe thận là bệnh gì?
Áp xe thận là hiện tượng ổ mủ xuất hiện quanh thận do mô mềm xung quanh thận hay mô thận ngoại vi bị nhiễm trùng. Đây là một bệnh lý phổ biến, nguyên nhân do chấn thương và nhiễm trùng có liên quan đến sỏi thận.
Áp xe thận gồm 2 thể:
-
Áp xe thận vi thể: khá hiếm gặp, áp xe trong các mô thận, có thể dẫn đến bệnh suy thận.
-
Áp xe thận đại thể: là ổ mủ trong các mô thận, thể này có thể xảy ra sau khi bệnh nhân bị viêm bể thận cấp tính hoặc viêm thận.
Nguyên nhân nào gây Bệnh Áp-xe thận?
Các nguyên nhân gây áp xe thận:
-
Nhiễm khuẩn huyết: các cơ quan khác bị nhiễm trùng (như viêm phổi, viêm phúc mạc) lan vào máu, sau đó máu đưa vi khuẩn vào mô thận có thể gây áp xe thận hoặc viêm bể thận.
-
Do nhiễm trùng đường tiết niệu: nhiễm trùng niệu đạo, niệu quản, bàng quang có thể lan vào thận gây ra viêm bể thận và áp xe thận.
-
Do nhiễm Mycoplasma: có thể gặp áp xe thận do Mycoplasma hominis sau ghép thận.
-
Do sỏi đường tiết niệu: sỏi có thể gây tổn thương niệu quản dẫn đến nhiễm trùng, sau đó lây lan vào thận và gây áp xe thận.
-
Do viêm thận: có thể dẫn đến áp xe thận.
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Áp-xe thận là gì?
-
Trong trường hợp bệnh điển hình, bệnh nhân áp xe thận thường có các triệu chứng xuất hiện đột ngột. Bệnh nhân có các biểu hiện mạch nhanh, sốt cao, rét run, kèm theo là tình trạng đau ở hố thắt lưng giống như trong viêm thận - thể thận cấp. Ở giai đoạn đầu, nước tiểu của bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không có mủ do ổ mủ không thông với đường niệu. Ngược lại, có nhiều trường hợp bệnh nhân áp xe thận có bệnh diễn biến từ từ.
-
Triệu chứng thực thể: trong trường hợp cấp tính, khi khám sẽ thấy vùng hố thắt lưng của bệnh nhân bị phù nề, có thể sờ được khối u đau căng. Ở những bệnh nhân có bệnh diễn biến từ từ, vùng thắt lưng sẽ không phản ứng dữ dội khi thăm khám. Tuy nhiên vẫn có thể thấy thận căng đau, to hoặc thấy ổ áp-xe, chọc dò có thể lấy được mủ.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Áp-xe thận bằng cách nào?
Khai thác diễn biến bệnh và tiền sử bệnh của bệnh nhân là rất quan trọng trong chẩn đoán áp xe thận. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như sốt, đau hông lưng và/hoặc khó chịu ở bụng trong khoảng 14 ngày. Phần lớn bệnh nhân áp xe thận có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu, tắc nghẽn đường tiết niệu, có sỏi tiết niệu, phẫu thuật tiết niệu và/hoặc nội soi, có sonde đường tiết niệu.
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị áp xe thận, bác sĩ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm sau để chẩn đoán áp xe thận:
-
Xét nghiệm nước tiểu: có thể tìm thấy máu, protein hoặc vi khuẩn có trong nước tiểu.
-
Xét nghiệm máu: cho biết tình trạng Hemoglobin, bạch cầu của bệnh nhân.
-
Chụp X-quang: cho phép quan sát ổ áp xe nếu áp xe lớn.
-
Siêu âm: giúp phát hiện ổ áp xe xung quanh thận.
-
CT và MRI: các phương pháp này giúp phân biệt áp xe trong thận hay ngoài thận.
Biện pháp trị Áp-xe thận và phác đồ điều trị Bệnh Áp-xe thận là gì?
Dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và kích thước áp xe thận, có thể áp dụng các phương pháp điều trị như sau:
-
Thuốc kháng sinh: là biện pháp điều trị được áp dụng đầu tiên cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng thận. Có thể sử dụng kháng sinh theo đường uống hoặc đường tiêm qua tĩnh mạch. Loại kháng sinh được chỉ định và thời gian sử dụng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và loại vi khuẩn được tìm thấy trong nước tiểu. Thông thường, trong vòng một vài ngày kể từ khi tiến hành điều trị, những triệu chứng của nhiễm trùng thận sẽ bắt đầu biến mất. Tuy nhiên, vẫn cần duy trì việc sử dụng kháng sinh thêm một tuần hoặc lâu hơn. Bác sĩ sẽ chỉ định liệu trình sử dụng kháng sinh cụ thể để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các nhiễm trùng.
-
Dẫn lưu dưới da: mủ trong khối áp xe thận được dẫn lưu ra bên ngoài, ống thông vẫn được để lại để tiếp tục dẫn lưu và bệnh nhân được tiêm kháng sinh mỗi ngày.
Ngoài ra, các biện pháp sau cũng được thực hiện để kiểm soát bệnh cho bệnh nhân:
-
Sử dụng thuốc giảm đau: trường hợp bệnh nhân bị đau, có thể dùng các loại thuốc giảm đau theo toa mà bác sĩ cung cấp hoặc theo đúng sự chỉ dẫn của dược sĩ.
-
Dùng nhiệt: đặt lên bụng, lưng hoặc bên hông một miếng đệm nóng để giảm cảm giác áp lực hoặc đau.
-
Uống nhiều nước: uống nhiều nước mỗi ngày sẽ giúp thải vi khuẩn ra từ đường tiết niệu. Lưu ý rằng không nên uống rượu và cà phê cho đến khi khỏi hoàn toàn nhiễm trùng vì các loại đồ uống này có thể làm bệnh nhân tiểu rắt nặng hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.