
Thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh gì?
Thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh lý do xuất hiện một ống thông nhỏ từ phần ổ bụng xuống dưới vùng bẹn làm cho các tạng ở ổ bụng (như ruột, mạc nối, buồng trứng) chạy xuống và tạo khối phồng to ở bẹn. Trẻ có thể thoát vị bẹn một bên hoặc hai bên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phần lớn gặp ở các bé trai và trẻ sơ sinh thiếu tháng. Khi trẻ bị thoát vị bẹn, phụ huynh nên cho trẻ đi khám để được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, thoát vị bẹn sẽ làm trẻ chậm phát triển và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Thoát vị bẹn ở trẻ em?
Ống phúc tinh mạc ở trẻ em sẽ tự động đóng lại trong những tháng cuối thai kỳ hoặc 3 tháng đầu sau sinh. Khả năng tự đóng lại của ống phúc tinh mạc càng thấp khi trẻ càng lớn. Ống phúc tinh mạc không đóng lại được là nguyên nhân gây ra thoát vị bẹn ở trẻ. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể gây thoát vị bẹn ở trẻ em gồm: trẻ rặn quá nhiều do táo bón, trẻ ho liên tục kéo dài.
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Thoát vị bẹn ở trẻ em là gì?
-
Biểu hiện ban đầu của thoát vị bẹn ở trẻ em thường là xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn. Khối phồng này lan đến vùng mu-môi lớn ở bé gái và vùng bìu ở bé trai. Kích thước của khối phồng tăng lên khi trẻ chạy nhảy, quấy khóc, vận động mạnh, ho hoặc rặn và thường biến mất khi trẻ nằm yên.
-
Sờ được khối thoát vị khi nắn vào phần ống bẹn. Khối thoát vị không đau, mềm và có thể di chuyển.
-
Khối thoát vị có thể bị sưng đau, trẻ có thể có các cơn đau quặn bụng dữ dội. Trẻ có dấu hiệu bụng chướng, quấy khóc, buồn nôn và nôn.
-
Bên cạnh đó, trẻ có thể mắc các bệnh có triệu chứng ở vùng bẹn và bìu như: viêm tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, viêm tấy vùng ống bẹn bìu, tràn dịch màng tinh hoàn,…
Nếu thấy trẻ có các biểu hiện trên, cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Dựa vào thăm khám và kết quả của một số xét nghiệm hỗ trợ, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng và đưa ra những phương án điều trị hiệu quả.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Thoát vị bẹn ở trẻ em bằng cách nào?
Khi khám cho trẻ, bác sĩ sẽ kiểm tra khối thoát vị và hỏi để đánh giá tình trạng sức khỏe. Một số câu hỏi gồm:
-
Khai thác tiền sử bệnh như ở nhà phụ huynh có nhìn thấy khối thoát vị bẹn ở trẻ bao giờ hay không? Trẻ có thường kêu đau hay quấy khóc không?
-
Trẻ sinh đủ tháng hay thiếu tháng?
-
Tình hình sức khỏe hiện tại?
-
Bệnh nền hoặc bệnh lý bẩm sinh nếu có?
-
Tiền sử trong gia đình có người bị thoát vị bẹn hay không?
Sau khi thăm khám lâm sàng xong, nếu trẻ được chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ là thoát vị bẹn, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cơ bản như:
-
Xét nghiệm máu.
-
Siêu âm bẹn bìu.
Biện pháp trị Thoát vị bẹn ở trẻ em và phác đồ điều trị Bệnh Thoát vị bẹn ở trẻ em là gì?
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cho các trường hợp thoát vị bẹn từ nhẹ đến phức tạp để ngăn ngừa biến chứng và tái phát bệnh, có thể mổ hở hoặc mổ nội soi
6.1. Phương pháp mổ hở
Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ dài khoảng 20mm theo nếp lằn bụng dưới, sau đó tiến hành đẩy tổ chức bên trong túi thoát vị về vị trí ban đầu. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành thắt lại ống phúc tinh mạc.
6.2. Phương pháp mổ nội soi
-
Mổ nội soi là kỹ thuật đưa dụng cụ phẫu thuật và ống nội soi qua đường rạch rất nhỏ ở vùng bụng. Sau đó, bác sĩ sẽ đẩy tổ chức ở túi thoát vị về vị trí ban đầu và khâu lại vết mổ.
-
Hiện nay, đây là phương pháp tiên tiến nhất để điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em. Thực hiện phương pháp này, các bác sĩ có thể nhận thấy mạch máu nuôi tinh hoàn và ống dẫn tinh dễ dàng. Đồng thời, bác sĩ có thể thực hiện khâu lại ống phúc tinh mạc mà không ảnh hưởng đến ống dẫn tinh hoặc mạch máu nuôi tinh hoàn. Do đó có thể tránh được biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi mổ mở là teo tinh hoàn hoặc tắc ống dẫn tinh. Bên cạnh đó, mổ nội soi cho phép bác sĩ đánh giá tình trạng của ống phúc tinh mạc ở bên còn lại và tiến hành khâu kín ngay nếu còn mở, giúp ngăn chặn tình trạng thoát vị trong tương lai.
-
Ngoài ra, khi thực hiện phương pháp này, trẻ ít đau, ít chảy máu và gần như không để lại sẹo. Trẻ phục hồi sức khỏe nhanh và có thể xuất viện sớm sau phẫu thuật.
6.3. Cách chăm sóc trẻ sau khi phẫu thuật
Thông thường, 1-2 tuần sau phẫu thuật, trẻ sẽ cảm thấy khỏe hoàn toàn và có thể sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn cần lưu ý các vấn đề sau:
-
Thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ về chăm sóc trẻ giai đoạn hậu phẫu để tránh tình trạng nhiễm trùng vết mổ.
-
Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng như nôn, sốt cao, vết mổ tấy đỏ, chảy máu, có dấu hiệu nhiễm trùng, tiểu ít hơn bình thường… cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.