Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Suy giáp bằng cách nào?
1. Xét nghiệm
1.1. Ảnh hưởng hormon đối với chuyển hóa và tổ chức ngoại vi
-
Phản xạ gân gót > 320 ms
-
Cholesterol tăng, triglycerid tăng, creatine phosphokinase tăng
-
Thiếu máu bình sắc (hồng cầu bình thường hoặc lớn) do thiếu vitamin B12 và acid folic
1.2. Định lượng hormon
-
Nếu bệnh nhân đang điều trị bằng L-T4, phải ngừng điều trị ít nhất 6 tuần thì kết quả xét nghiệm mới có giá trị.
-
FT4 giảm, FT3 giảm
-
TSH tăng hoặc bình thường tuy nguyên nhân do máy giáp tiên phát hoặc thứ phát.
-
Độ tập trung iod giảm.
1.3. Xét nghiệm khác
-
Định lượng iod máu (bình thường 4-8μg/100ml), iod niệu (bình thường < 150mg/24h).
-
Kháng thể kháng microsom, thyroglobulin: TPOAb (antithyroid peroxidase antibody) thường (+) trong viêm tuyến giáp Hashimoto.
2. Chẩn đoán
2.1. Chẩn đoán xác định
-
Chẩn đoán xác định dễ dàng nếu triệu chứng lâm sàng điển hình, TSH tăng hoặc bình thường, FT4 giảm.
-
Nồng độ TSH máu > 20μU/ml: chẩn đoán suy giáp tiên phát. Nồng độ TSH < 20μU/ml: do bệnh ngoài tuyến giáp gây ra hoặc suy giáp dưới lâm sàng. Ở bệnh nhân tăng nhẹ TSH cần định lượng FT4 để khẳng định chẩn đoán. Suy giáp thứ phát thì nồng độ TSH nằm trong giới hạn bình thường.
Xét nghiệm TSH để chẩn đoán xác định suy giáp
2.2. Chẩn đoán biến chứng
Hôn mê do suy giáp
Thường hiếm gặp nhưng nặng, tiến triển chậm, xảy ra ở bệnh suy giáp lớn tuổi không điều trị hoặc điều trị không đầy đủ, hoặc bị chấn thương, nhiễm khuẩn phối hợp.
Triệu chứng:
-
Hôn mê yên lặng, tiến triển từ từ, không có dấu hiệu thân kinh khu trú.
-
Thân nhiệt giảm thấp, có khi xuống dưới 30 độ C.
-
Thở chậm khò khè có cơn ngừng thở. Rối loạn hô hấp (có thể do phù thanh quản, lưỡi to, nhiễm trùng phổi, tràn dịch màng phổi kèm theo.
-
Nhịp tim chậm, trụy mạch, huyết áp giảm, tràn dịch màng tim.
-
Na máu giảm, cholesterol máu tăng, protein trong dịch não tủy tăng cao.
-
Tiên lượng nặng, đặc biệt ở các bệnh nhân già, có bệnh tim mạch hoặc hô hấp.
Biến chứng tim mạch
-
Rối loạn nhịp tim: block nhĩ thất, nhịp chậm xoang.
-
Suy vành.
-
Tràn dịch màng tim nhiều gây ép tim. Hay gặp tràn dịch màng tim số lượng ít. Điện tâm đồ thấy điện thế ngoại biên giảm. Sóng T âm, QT kéo dài có thể gặp rối loạn dẫn truyền nhĩ thất hoặc block nhánh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.