
Suy dinh dưỡng là bệnh gì?
Suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng cơ thể thiếu protein, năng lượng và các vi chất dinh dưỡng. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, tinh thần và vận động của trẻ.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Suy dinh dưỡng?
1. Sai lầm trong phương pháp nuôi dưỡng
-
Nuôi trẻ bằng nước cháo, bột loãng, nước đường khi mẹ thiếu sữa.
-
Cai sữa quá sớm.
-
Ăn bổ sung quá sớm/quá muộn.
-
Bữa ăn bổ sung không đủ cả về số lượng và chất lượng.
-
Kiêng khem: khi trẻ bị bệnh, đặc biệt bị tiêu chảy thì bắt trẻ ăn cháo muối, không cho bú.
2. Do bệnh lý
2.1. Bệnh nhiễm trùng
-
Giữa nhiễm trùng và bệnh suy dinh dưỡng có có mối liên quan: khi trẻ bị suy dinh dưỡng dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm trùng thứ phát làm suy dinh dưỡng nặng hơn.
-
Suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu chảy kéo dài, sởi,...
2.2. Bệnh khác
-
Bệnh làm tăng chuyển hóa (cường giáp, sau phẫu thuật, chấn thương, bỏng,...)
-
Bệnh làm mất các chất dinh dưỡng qua đường ruột (hội chứng ruột ngắn, rò đường tiêu hóa,...)
-
Các bệnh thận (hội chứng thận hư,...)
-
Các bệnh mạn tính (suy thận mạn, bệnh gan mạn, suy tim nặng,...)

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Suy dinh dưỡng là gì?
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của suy dinh dưỡng rất nghèo nàn, dễ bị bỏ sót. Thường biểu hiện bằng:
-
Ngừng tăng cân hoặc sút cân
-
Lớp mỡ dưới da mỏng dần.
-
Trẻ chậm biết đi, ít hoạt bát.
-
Da xanh dẫn
1. Suy dinh dưỡng nhẹ
-
Lớp mỡ dưới da mỏng.
-
Trẻ vẫn thèm ăn.
-
Chưa có rối loạn tiêu hoá.
2. Suy dinh dưỡng vừa
-
Mất lớp mỡ dưới da ở bụng, chi, mông.
-
Rối loạn tiêu hoá từng đợt.
-
Trẻ biếng ăn.
3. Suy dinh dưỡng nặng
Được thể hiện dưới 3 thể bệnh:
3.1. Thể phù (Kwashiorkor)
-
Trẻ bị suy dinh dưỡng nguyên nhân do ăn quá nhiều bột (thừa glucid, thiếu lipid, thiếu protid trầm trọng).
-
Phù: phù bắt đầu từ mặt và hai chi dưới, sau toàn thân, có thể có phù màng bụng, phù trắng, mềm, ấn lõm. Triệu chứng phù ban đầu thường khiến mẹ dễ nhầm là con mình bụ bẫm. Vòng cánh tay bình thường, nhưng trẻ thường kém chơi, có rối loạn tiêu hoá, viêm phổi.
Phù bắt đầu ở mặt và hai chi dưới
-
Rối loạn sắc tố da: cùng với phù, trẻ xuất hiện những nốt đỏ ở bẹn, chỉ, mông, các nốt này tập trung thành mảng đỏ và thâm đen và bong ra, để lại ở dưới lớp da non dễ bị nhiễm trùng làm da trẻ loang lổ như da rắn, thường gặp ở trẻ trai, nên một tác giả người Anh đã đặt tên bệnh là Kwashiorkor (Kwashi: Con trai; okor: màu đỏ).
-
Lớp mỡ dưới da còn, tuy nhiên không chắc.
-
Gan thường to, chắc, có thể dẫn tới suy gan.
-
Chướng bụng, rối loạn tiêu hóa thường xuyên. Niêm mạc ruột teo dần và mất các nếp nhăn do thiếu dinh dưỡng, chức năng hấp thu kém gây rối loạn tiêu hóa. Chướng bụng do nhu động ruột giảm. Bên cạnh đó, do tụy teo dần và giảm tiết men tiêu hóa cũng làm cho tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng thêm.
-
Trẻ có dấu hiệu của thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng.
3.2. Thể teo đét (Marasmus)
-
Trẻ suy dinh dưỡng do bị đói thực sự, thiếu tất cả các chất dinh dưỡng. Trẻ phải huy động glucid, chất béo, cuối cùng là đạm của cơ thể nên mất hết mỡ dưới da ở mặt, chi, mông.
-
Trẻ gầy đét, da khô, nhăn nheo, mặt hốc hác, mắt trũng.
-
Trẻ cũng có các triệu chứng thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng nhưng nhẹ hơn thể phù.
-
Trẻ ít khi bị tiêu chảy hay rối loạn tiêu hoá.
-
Có thể mắc các bệnh nhiễm trùng.
3.3. Thể phối hợp
-
Trẻ có phù, nhưng cơ thể teo đét.
-
Rối loạn tiêu hóa thường xuyên.
-
Có triệu chứng của cả hai thể trên.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Suy dinh dưỡng bằng cách nào?
-
Xét nghiệm máu: Huyết sắc tố và hematocrit giảm. Protein máu giảm nhẹ ở suy dinh dưỡng thể Marasmus, giảm nặng suy dinh dưỡng ở thể Kwashiorkor. Albumin huyết thanh giảm, nhất là trong thể phù. Sắt huyết thanh, ferritin giảm nhiều trong thể Kwashiorkor. Chỉ số White Head (axit amin không cần thiết/axit amin cần thiết) (bình thường 0,8 - 2): tăng cao ở thể Kwashiorkor .
-
Rối loạn phân bố nước và điện giải: Điện giải đồ thấy K, Na thường giảm.
-
Đường máu giảm.
-
Thiếu các men chuyển hóa: phosphatase, esterase, amylase, lipase.
-
Thiếu vitamin và khoáng chất.
-
Thiếu các tiền chất nội tiết.
-
Thay đổi các thành phần acid amin.
-
Tổn thương hệ miễn dịch: Miễn dịch tế bào giảm; lympho T giảm, miễn dịch tại chỗ: IgA tiết giảm.
-
Nước tiểu có thể có albumin.
-
Phân: biểu hiện hội chứng kém hấp thu.

Biện pháp trị Suy dinh dưỡng và phác đồ điều trị Bệnh Suy dinh dưỡng là gì?
1. Suy dinh dưỡng vừa
-
Điều trị tại nhà, trẻ được tư vấn chế độ ăn và cách chăm sóc.
-
Điều chỉnh chế độ ăn: hướng dẫn chế độ ăn bổ sung theo ô vuông thức ăn. Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, kéo dài từ 18 đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ
-
Bổ sung vi chất dinh dưỡng.
-
Tẩy giun định kỳ.
-
Tiêm chủng đầy đủ
-
Phòng và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng.
-
Theo dõi cân nặng định kỳ để tư vấn kịp thời.
2. Suy dinh dưỡng nặng
2.1. Điều trị hạ đường huyết
-
Cho trẻ uống 50ml glucose 10% (hoặc sucrose)
-
Cho trẻ ăn sớm nhất có thể, ăn 2 giờ/lần cả ngày và đêm.
-
Nếu trẻ hôn mê, điều trị bằng glucose tĩnh mạch, nếu không có điều kiện truyền tĩnh mạch, cho glucose 10% hoặc nước đường sucrose qua sonde dạ dày.
-
Điều trị hạ đường huyết qua đường tĩnh mạch: tiêm tĩnh mạch chậm 5ml/kg dung dịch glucose 10%.
2.2. Điều trị hạ thân nhiệt
-
Cho ăn 2 giờ/lần và cho ăn cả đêm.
-
Đặt trẻ trong phòng ấm 28-30°C, tránh gió.
-
Giữ ấm cho trẻ: mặc ấm, đắp chăn.
Mặc ấm, đắp chăn để giữ ấm cho trẻ
-
Thay quần áo, tã ướt, giữ cho trẻ khô.
-
Tránh cho trẻ tiếp xúc với lạnh.
-
Cho trẻ ngủ với mẹ.
2.3. Điều trị mất nước
-
Bù dung dịch ReSoMal bằng đường uống, hoặc đường sonde dạ dày, bù chậm hơn so với trẻ bình thường.
-
Nếu trẻ có sốc, lơ mơ, mất ý thức cần bù dịch bằng đường tĩnh mạch.
2.4. Điều trị rối loạn điện giải
Tất cả trẻ suy dinh dưỡng nặng đều có giảm kali và magie. Do vậy cần:
-
Bổ sung kali: 3-4mmol/kg/ngày.
-
Bổ sung magie: 0,4-0,6mmol/ngày
2.5. Điều trị nhiễm trùng
Điều trị nhiễm trùng cần cho tất cả trẻ suy dinh dưỡng nặng dùng. Sử dụng kháng sinh phổ rộng và lựa chọn kháng sinh tùy theo vị trí nhiễm khuẩn.
2.6. Bổ sung yếu tố vi lượng
Cho trẻ bổ sung yếu tố vi lượng mỗi ngày trong ít nhất 2 tuần và bổ sung vitamin A cho trẻ.
2.7. Bắt đầu cho ăn lại
-
Nếu trẻ còn bú, tiếp tục cho trẻ bú mẹ.
-
Ăn nhiều bữa nhỏ. Cho ăn từ từ, số lượng tăng dần.
-
Ngày đầu: 75Kcal/kg, sau đó tăng dần để năng lượng cuối tuần đầu đạt 100kcal/kg/ngày.
-
Dịch: 130 ml/kg/ngày (nếu trẻ có phù nặng: 100ml/kg/ngày).
2.8. Đuổi kịp sự tăng trưởng
Trẻ cần được chăm sóc tích cực để cân nặng đảm bảo tăng > 10g/kg/ngày.
Tăng cân được đánh giá như sau:
-
Kém: < 5g/kg/ngày
-
Trung bình: 5 - 10g/kg/ngày
-
Tốt: > 10g/kg/ngày.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.