Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Bướu giáp đơn thuần là gì?
-
Bướu giáp đơn thuần thường kín đáo, không có triệu chứng. Bướu giáp có thể do bệnh nhân hoặc những người xung quanh phát hiện, hoặc phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát.
-
Khám tuyến giáp: tuyến giáp lớn ở giữa cổ, không dính vào da, không đau, ranh giới rõ, di động theo nhịp nuốt, tuyến lớn lan tỏa hoặc dạng nốt. Không bao giờ sờ thấy tuyến giáp có thể tích bình thường kể cả ở người bệnh rất gầy.
Khám tuyến giáp
-
Nhìn kết hợp với sờ nắn để khám tuyến giáp. Bác sĩ có thể đứng phía trước bệnh nhân để nhìn tuyến giáp, sờ tuyến giáp bằng hai ngón tay cái. Khi sờ cần xác định được độ lớn, mật độ và ranh giới của bướu, thấy bướu di động theo nhịp nuốt khi cho người bệnh nuốt. Trong trường hợp bướu giáp nhu mô lan tỏa, bướu giáp đơn thuần thường có mật độ mềm. Bướu giáp cũng có thể có mật độ chắc trong bướu giáp thể nhân.
-
Bướu lớn có thể chèn ép tổ chức và cơ quan xung quanh. Chèn ép dây thần kinh quặt ngược gây nói hai giọng, nói khó, nói khàn. Chèn ép khí quản làm bệnh nhân khó thở. Chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây phù kiểu áo khoác (phù ở mặt, cổ, hai tay và lồng ngực kèm theo tuần hoàn bàng hệ ở ngực).
-
Có thể sử dụng thước dây để đo vòng cổ của bệnh nhân, đo ngang qua vị trí tuyến giáp lớn nhất. Việc này giúp theo dõi diễn biến điều trị cho bệnh nhân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, phân độ bướu giáp như sau:
-
Độ 0: tuyến giáp không lớn (khi nhìn và khi sờ)
-
Độ 1: sờ thấy bướu giáp lớn, di động theo nhịp nuốt khi sờ nhưng với tư thế cổ bình thường thì không nhìn thấy.
-
Độ 2: với tư thể cổ bình thường nhìn thấy bướu giáp lớn. Khám khi sờ cổ thấy bướu giáp lớn (bướu giáp nhìn thấy và sờ thấy).
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.