
Bướu giáp đơn thuần là bệnh gì?
Bướu giáp đơn thuần là tình trạng tuyến giáp to không kèm theo cường giáp hay suy giáp, không bị viêm hoặc u. Bệnh thường gặp ở nữ giới, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn trong các giai đoạn dậy thì, thai kỳ, tuổi mãn kinh. Có ba thể bướu giáp đơn thuần: thể nhiều nốt, thể một nốt, thể lan tỏa.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Bướu giáp đơn thuần?
-
Do thiếu iod tuyệt đối (gây ra bướu giáp dịch tễ): thường do nước uống bị thiếu iod. Tuy nhiên trên thế giới có nhiều vùng không bị thiếu iod, kể cả vùng thừa iod vẫn có thể bị bướu giáp dịch tễ. Ngoài ra, không phải tất cả người sống ở vùng thiếu iod đều mắc bướu giáp đơn thuần. Điều này cho thấy bên cạnh yếu tố môi trường còn có yếu tố di truyền trong bệnh sinh bướu giáp.
-
Do các chất làm phì đại tuyến giáp: một số chất như thuốc kháng giáp tổng hợp, acid para-aminosalicylic (PAS), thiocyanate, cobalt, muối lithium, một số loại thực phẩm có chứa chất làm lớn tuyến giáp có thể gây bướu giáp đơn thuần.

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Bướu giáp đơn thuần là gì?
-
Bướu giáp đơn thuần thường kín đáo, không có triệu chứng. Bướu giáp có thể do bệnh nhân hoặc những người xung quanh phát hiện, hoặc phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát.
-
Khám tuyến giáp: tuyến giáp lớn ở giữa cổ, không dính vào da, không đau, ranh giới rõ, di động theo nhịp nuốt, tuyến lớn lan tỏa hoặc dạng nốt. Không bao giờ sờ thấy tuyến giáp có thể tích bình thường kể cả ở người bệnh rất gầy.
Khám tuyến giáp
-
Nhìn kết hợp với sờ nắn để khám tuyến giáp. Bác sĩ có thể đứng phía trước bệnh nhân để nhìn tuyến giáp, sờ tuyến giáp bằng hai ngón tay cái. Khi sờ cần xác định được độ lớn, mật độ và ranh giới của bướu, thấy bướu di động theo nhịp nuốt khi cho người bệnh nuốt. Trong trường hợp bướu giáp nhu mô lan tỏa, bướu giáp đơn thuần thường có mật độ mềm. Bướu giáp cũng có thể có mật độ chắc trong bướu giáp thể nhân.
-
Bướu lớn có thể chèn ép tổ chức và cơ quan xung quanh. Chèn ép dây thần kinh quặt ngược gây nói hai giọng, nói khó, nói khàn. Chèn ép khí quản làm bệnh nhân khó thở. Chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây phù kiểu áo khoác (phù ở mặt, cổ, hai tay và lồng ngực kèm theo tuần hoàn bàng hệ ở ngực).
-
Có thể sử dụng thước dây để đo vòng cổ của bệnh nhân, đo ngang qua vị trí tuyến giáp lớn nhất. Việc này giúp theo dõi diễn biến điều trị cho bệnh nhân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, phân độ bướu giáp như sau:
-
Độ 0: tuyến giáp không lớn (khi nhìn và khi sờ)
-
Độ 1: sờ thấy bướu giáp lớn, di động theo nhịp nuốt khi sờ nhưng với tư thế cổ bình thường thì không nhìn thấy.
-
Độ 2: với tư thể cổ bình thường nhìn thấy bướu giáp lớn. Khám khi sờ cổ thấy bướu giáp lớn (bướu giáp nhìn thấy và sờ thấy).
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Bướu giáp đơn thuần bằng cách nào?
1. Xét nghiệm
-
Xét nghiệm định lượng TSH huyết thanh kết hợp với hormon giáp tự do là xét nghiệm sàng lọc cần thực hiện đầu tiên. Đối với bướu giáp đơn thuần cho kết quả bình thường. Có thể tăng tỷ lệ T3/T4, nguyên nhân do sự iod hóa của thyroglobulin bị tổn thương.
-
Trong đánh giá bướu giáp, các thăm dò về hình ảnh là rất hữu ích. Xạ hình tuyến giáp và siêu âm tuyến giáp giúp chẩn đoán và điều trị bướu giáp đơn thuần. Xạ hình tuyến giáp giúp phát hiện nhân nóng ở nhu mô tuyến giáp, từ đó đưa ra định hướng điều trị. Siêu âm tuyến giáp giúp đánh giá hình thái và độ lớn của tuyến giáp. Siêu âm bướu giáp dạng nốt cho biết hình dạng của nốt và số lượng nốt, bên cạnh đó còn giúp hướng dẫn chọc hút bằng kim để chẩn đoán tế bào học. Siêu âm còn giúp theo dõi sau điều trị.
Siêu âm tuyến giáp
-
Nên thực hiện chụp X quang quy ước vùng cổ và vùng trung thất trên, có thể thấy hình ảnh chèn ép khí quản nếu có.
-
Cần chỉ định xạ hình tuyến giáp, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính trong trường hợp bướu giáp lạc chỗ khu trú trong ngực.
2. Chẩn đoán
Chẩn đoán bướu giáp đơn thuần dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như đã liệt kê ở trên.
Cần phân biệt bướu giáp đơn thuần với bệnh Basedow, bệnh Hashimoto và ung thư tuyến giáp:
-
Thường khó phân biệt bướu giáp đơn thuần với giai đoạn nhiễm độc giáp không nặng và thiếu triệu chứng thương tổn mắt trong bệnh Basedow. Cần định lượng kháng thể đặc hiệu của Basedow để phân biệt với bướu giáp đơn thuần.
-
Khó để chẩn đoán phân biệt bướu giáp đơn thuần với bệnh Hashimoto. Ở bệnh Hashimoto, sờ tuyến giáp thấy có mật độ chắc hơn và không đều. Cần xét nghiệm kháng thể đặc hiệu của Hashimoto để phân biệt.
-
Cần phân biệt bướu giáp đơn thuần, nhất là với thể bướu giáp nhiều nốt với ung thư tuyến giáp. Cần thăm khám lâm sàng và thăm dò cận lâm sàng để tìm các triệu chứng gợi ý. Chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp bằng xét nghiệm tế bào học.
Biện pháp trị Bướu giáp đơn thuần và phác đồ điều trị Bệnh Bướu giáp đơn thuần là gì?
-
Nếu bệnh nhân có bướu giáp nhỏ và không có triệu chứng: chỉ cần thăm khám định kỳ và siêu âm tuyến giáp để đánh giá. Sự phát triển tuyến giáp ở mỗi bệnh nhân là rất khác nhau.
-
Điều trị bằng thyroxin giúp giảm thể tích của tuyến giáp sau 9 tháng điều trị ở khoảng 60% trường hợp bệnh nhân. Tuy nhiên, sau 3 tháng ngừng điều trị, siêu âm tuyến giáp thấy kích thước tuyến giáp trở lại như trước điều trị. Vì vậy muốn duy trì giảm thể tích bướu giáp, cần điều trị lâu dài. Thông thường, bướu giáp đơn thuần thể nốt kém đáp ứng hơn thể lan tỏa. Điều trị với thyroxin thường mang lại kết quả tốt hơn ở bệnh nhân trẻ, bướu giáp mới phát hiện và không quá lớn.
-
Điều trị bằng thyroxin lâu dài có thể gây ra các tác dụng không mong muốn trên xương và tim. Sử dụng liều levothyroxin hiệu quả thấp nhất, thông thường khoảng 1,5 – 2,0 µg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Cần theo dõi TSH và T3 tự do để chỉnh liều nhằm giảm thiểu tối đa tác dụng không mong muốn.
-
Đối với bệnh nhân bướu giáp đơn thuần có nồng độ TSH > 1 mU/L, có thể chỉ định điều trị bằng levothyroxin để giảm nồng độ TSH huyết tương về dưới mức bình thường (0,5 – 1,0mU/L), không nên giảm thấp hơn mức này. Nếu thể tích tuyến giáp giảm hoặc ổn định, có thể tiếp tục điều trị và cần theo dõi TSH định kỳ.
Cần theo dõi TSH định kỳ
-
Không nên phẫu thuật bướu giáp đơn thuần vì có thể gây ra suy giáp, trừ các trường hợp cần giải phóng sự chèn ép sau khi điều trị levothyroxin thất bại. Sau phẫu thuật, tỷ lệ tái phát là khoảng 10-20% các trường hợp. Có khoảng 7-10% trường hợp gặp biến chứng do phẫu thuật. Sau phẫu thuật, điều trị dự phòng bằng levothyroxin có thể không ngăn được sự tái phát bướu giáp đơn thuần.
-
Điều trị với I131 để làm giảm thể tích bướu giáp có thể áp dụng cho những trường hợp tái phát sau phẫu thuật, hoặc những trường hợp bướu giáp kích thước quá lớn ở người lớn có chống chỉ định phẫu thuật. Phương pháp này không được áp dụng với các trường hợp bướu giáp lớn sau xương ức (vì có thể làm tuyến giáp sưng cấp tính gây khí quản bị chèn ép nặng hơn) và những bệnh nhân trẻ. Điều trị bằng I131 mang lại hiệu quả, nhưng tỷ lệ suy giáp khá cao: khoảng 22-40% trong 5 năm.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.