Bệnh tiểu đường là bệnh gì?
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là tình trạng đường huyết luôn cao hơn mức bình thường. Bệnh tiểu đường được chia thành tiểu đường type 1, type 2 và tiểu đường thai kỳ. Nhận biết những dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường giúp ngăn chặn bệnh tiến triển và hạn chế các biến chứng của bệnh.
Nguyên nhân nào gây Bệnh tiểu đường?
-
Tiểu đường tuýp 1: vì một lý do nào đó mà số lượng insulin sản xuất ít hoặc tế bào tuyến tụy không sản xuất insulin. Thiếu hụt insulin dẫn đến glucose trong máu không di chuyển được vào tế bào dẫn đến dư thừa.
-
Tiểu đường tuýp 2: các tế bào đề kháng với insulin dẫn đến glucose không di chuyển được vào tế bào, làm tăng đường huyết trong máu.
-
Đái tháo đường thai kỳ: nhau thai sản xuất các kích thích tố để duy trì thai kỳ. Các kích thích tố này làm các tế bào kháng insulin. Thông thường, tuyến tụy sẽ sản xuất insulin để vượt qua sự đề kháng này. Nhưng khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin sẽ dẫn đến tiểu đường thai kỳ.
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh tiểu đường là gì?
Ở giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường, các triệu chứng thường không điển hình nên khó xác định và rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. Một số triệu chứng gặp ở bệnh nhân tiểu đường gồm:
-
Khát nước và uống nhiều nước: đây là triệu chứng đầu tiên khi mắc bệnh. Cần phân biệt với khát nước và uống nhiều nước do hoạt động nhiều, thời tiết nắng nóng hay do mất nước.
-
Đi tiểu nhiều lần, lượng nước tiểu tăng: nếu xuất hiện tình trạng đi tiểu nhiều lần, lượng nước tiểu tăng và chất lượng nước tiểu bình thường là dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường.
-
Cơ thể mệt mỏi: do thiếu Insulin, glucose sẽ không vào được tế bào. Mặt khác, bệnh nhân mệt mỏi vì mất glucose qua đường tiểu, do đó dẫn đến cơ thể mệt mỏi và suy nhược.
-
Ăn nhiều nhưng bị sụt cân: nếu ăn uống nhiều và không có sự thay đổi về làm việc và tập luyện nhưng bị sụt cân, đây có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường. Khi mắc bệnh tiểu đường, chất béo sẽ thay thế glucose để tạo ra năng lượng cho cơ thể, điều này làm cho bệnh nhân sụt cân đột ngột.
-
Thị lực giảm sút: khi mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân có thể có biểu hiện thị lực không tốt như trước, nhìn mờ, nhòe không rõ. Nếu thị lực giảm kết hợp các biểu hiện như khát nước, sụt cân... thì có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường.
-
Biểu hiện viêm nướu: khi mắc bệnh tiểu đường, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị tổn thương khiến bệnh nhân thường xuyên viêm nướu, viêm họng,...
-
Xuất hiện các vết thâm nám: bệnh nhân tiểu đường thường thấy xuất hiện nhiều vết thâm sẫm màu trên da, đặc biệt là ở những vị trí có nếp gấp da hoặc nếp nhăn.
-
Vết thương lâu lành: Bệnh nhân tiểu đường có các vết thương khó lành, đôi khi có thể hoại tử. Nguyên nhân do hệ thống miễn dịch bị tổn thương, lòng mạch tổn thương, có thể tắc mạch máu.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh tiểu đường bằng cách nào?
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường theo ADA:
-
Glucose huyết tương khi đói ≥ 126mg/dL (7 mmol/L). Bệnh nhân phải nhịn ăn tối thiểu 8 giờ và không uống nước ngọt. Hoặc:
-
Sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, glucose huyết tương ≥ 200 mg/dL (11,1 mmol/L). Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: trước khi làm nghiệm pháp, bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm. Lượng glucose sử dụng tương đương 75g glucose, hòa tan bằng 250-300ml nước và uống trong 5 phút. Trong 3 ngày trước khi làm nghiệm pháp, khẩu phần ăn mỗi ngày của bệnh nhân có 150-200 gam carbohydrate.
-
HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol).
-
Tại thời điểm bất kỳ glucose huyết tương ≥ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) hoặc bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết.
Nếu bệnh nhân không có các triệu chứng kinh điển của bệnh tiểu đường (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), xét nghiệm 1, 2 và 4 cần được thực hiện lặp lại lần 2 sau lần thứ nhất từ 1 đến 7 ngày để xác định chẩn đoán.
Biện pháp trị Bệnh tiểu đường và phác đồ điều trị Bệnh tiểu đường là gì?
-
Điều chỉnh chế độ ăn uống và thiết lập chế độ tập luyện hợp lý là rất quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường. Bữa ăn cần cung cấp đủ dinh dưỡng, sau khi ăn không làm tăng đường huyết nhiều và xa bữa ăn không làm hạ đường huyết. Bệnh nhân tiểu đường nên ăn các thực phẩm có nhiều chất xơ và hạn chế thức ăn chứa nhiều đường. Tăng cường hoạt động thể lực không chỉ giúp bệnh nhân cải thiện đường huyết, cải thiện cân nặng mà còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Kết hợp thay đổi chế độ ăn và luyện tập thể lực sẽ giúp làm giảm HbA1c.
-
Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường: Thuốc uống: Metformin, ức chế alpha glucosidase, Sulfonylurea, ức chế kênh SGLT2, ức chế enzym DPP- 4, TZD. Thuốc tiêm: Insulin, các chất đồng vận thụ thể GLP-1.
-
Với tiểu đường tuýp 1: bệnh nhân dùng insulin suốt đời vì cơ thể không còn khả năng sản xuất insulin. Với tiểu đường tuýp 2: nếu tình trạng glucose trong máu tăng không cải thiện được bằng chế độ dinh dưỡng và chế độ tập luyện, bệnh nhân sử dụng các thuốc điều trị tiểu đường để ổn định lượng đường trong máu.
-
Để bệnh không tiến triển nặng, bệnh nhân cần có kế hoạch theo dõi đường huyết, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, nên ăn nhiều rau xanh và các loại thực phẩm ít đường. Bệnh nhân cần thăm khám định kỳ và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.