Biện pháp trị Thiếu máu và phác đồ điều trị Bệnh Thiếu máu là gì?
Nguyên tắc điều trị thiếu máu đó là xác định và điều trị theo nguyên nhân; phối hợp điều trị nguyên nhân và truyền bù khối hồng cầu. Điều trị triệu chứng kịp thời để tránh hậu quả xấu, đồng thời thận trọng khi chỉ định truyền máu cho bệnh nhân.
Điều trị một số nguyên nhân thiếu máu cụ thể như sau:
1. Thiếu máu do thiếu yếu tố tạo máu
1.1. Thiếu máu do thiếu sắt:
-
Xác định nguyên nhân gây thiếu sắt (trĩ, u xơ tử cung, giun móc…) và điều trị nguyên nhân.
-
Ăn chế độ giàu sắt: rau xanh, thịt bò, thịt nạc, bí ngô, nho, chuối, lòng đỏ trứng.
Một số thực phẩm giàu sắt
-
Bổ sung sắt theo đường uống (liều 100-200 mg/ngày) hoặc đường tĩnh mạch.
-
Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi 1-2 tuần/lần cho đến khi nồng độ huyết sắc tố đạt 100 g/L, sau đó kiểm tra định kỳ hàng tháng đến hết phác đồ.
1.2. Thiếu máu do thiếu acid folic và/hoặc vitamin B12
-
Xác định nguyên nhân (cắt đoạn dạ dày, tổn thương gan do rượu,…) và điều trị nguyên nhân.
-
Chế độ ăn: các loại nấm, rau xanh, thịt, cá, gan, trứng, đậu đỗ, chuối.
-
Bổ sung acid folic: 5mg hàng ngày trong 4-6 tháng; vitamin B12: 1mg tiêm bắp 3 lần/tuần, tổng liều 10mg; sau đó duy trì liều 1mg/tháng.
-
Theo dõi và đánh giá kết quả điều trị định kỳ hàng tháng bằng xét nghiệm tế bào máu ngoại vi.
2. Thiếu máu do tan máu tự miễn
-
Dùng corticoid để điều trị ức chế miễn dịch.
-
Điều trị gamma globulin tĩnh mạch.
-
Cắt lách: được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng hoặc phụ thuộc corticoid với liều trên 20mg/ngày và/hoặc không có điều kiện sử dụng gamma globulin tĩnh mạch. Cân nhắc đối với bệnh nhân dưới 25 tuổi vì sau khi cắt lách có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng.
-
Điều trị hóa chất và các thuốc ức chế miễn dịch: Chỉ định với những trường hợp tái phát sau cắt lách và những phương pháp điều trị khác.
-
Một số phương pháp điều trị khác: dùng kháng thể kháng CD20 (rituximab), trao đổi huyết tương, sử dụng danazol, tia xạ vùng lách hoặc ghép tế bào gốc tạo máu…
3. Thiếu máu do tủy giảm sinh
-
Điều trị hỗ trợ: truyền khối hồng cầu, khối tiểu cầu…
-
Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại: nguồn tế bào gốc từ người cho trong gia đình (máu ngoại vi, máu dây rốn, dịch tủy xương) hoặc người cho không liên quan đến huyết thống.
-
Điều trị ức chế miễn dịch.
4. Thiếu máu do bệnh lý hồng cầu bẩm sinh
-
Truyền khối hồng cầu, duy trì huyết sắc tố khoảng 90 gam/lít.
-
Thải trừ sắt định kỳ, đặc biệt là khi nồng độ ferritin lớn hơn 1.000 ng/ml.
-
Cắt lách: giảm bớt yêu cầu truyền máu trong trường hợp bệnh nhân mắc α- thalassemia.
-
Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại: Sử dụng nguồn tế bào gốc từ máu dây rốn, máu ngoại vi hoặc tủy xương của người cho hòa hợp kháng nguyên bạch cầu người.
5. Thiếu máu do mất máu mạn
- Tìm nguyên nhân để điều trị: ví dụ như tẩy giun móc, cắt u xơ tử cung, cầm máu và điều trị ổ loét dạ dày - tá tràng,...
- Bù sắt và các yếu tố cần để tạo máu.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.