Bệnh Lý » Bệnh » Bệnh Máu » Thiếu máu

Thiếu máu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng-điều trị

Thiếu máu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng (dấu hiệu nhận biết-biểu hiện), xét nghiệm-chẩn đoán và biện pháp phác đồ điều trị khi bị Thiếu máu. Phân loại Bệnh Thiếu máu có mấy loại? Ngoài ra, các thông tin khác bổ sung về Bệnh Thiếu máu bao gồm: Cách phòng ngừa, các giai đoạn Bệnh Thiếu máu, những biến chứng thường gặp và đối tượng nguy cơ mắc Bệnh Thiếu máu. Và những điều cần biết khác về Thiếu máu. Tìm hiểu xem Bệnh Thiếu máu có nguy hiểm không? Thiếu máu có lây không? Thiếu máu có di truyền không?

Thiếu máu

Thiếu máu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, xét nghiệm và chẩn đoán. Biện pháp điều trị Thiếu máu

Thiếu máu là bệnh gì?

Thiếu máu là tình trạng giảm hemoglobin trong máu của người bệnh khi so sánh với người cùng giới, cùng lứa tuổi, cùng điều kiện sống, gây ra các biểu hiện thiếu oxy ở các mô và tổ chức của cơ thể. Mức độ giảm hemoglobin trong máu xuống 5% so với giá trị tham chiếu (theo tuổi, giới, điều kiện sống) có giá trị chẩn đoán xác định tình trạng thiếu máu.

Thiếu máu là tình trạng khá phổ biến, nhất là ở các nước, các vùng có đời sống thấp. Thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân, có thể ở các mức độ và đặc điểm khác nhau.

Thiếu máu là bệnh gì?

Nguyên nhân nào gây Bệnh Thiếu máu?

Thiếu máu có thể được gây ra bởi các nguyên nhân sau:

1. Giảm sản xuất hồng cầu

  • Do suy tủy.

  • Bệnh bạch cầu cấp (leukemia): Bạch cầu tăng, hồng cầu giảm.

  • Do thiếu nguyên liệu tạo máu: thiếu erythropoietin (suy thận mạn), thiếu vitamin B12, acid folic, thiếu sắt.

2. Vỡ hồng cầu (tan máu)

Nguyên nhân tại hồng cầu:

  • Hồng cầu hình liềm 

  • Thalassemia

  • Thiếu hụt G6PD: Bệnh di truyền trên nhiễm sắc thể X (biểu hiện: cơn vỡ hồng cầu khi uống thuốc chống sốt rét, PAS, sulfamid, vitamin C)

 Nguyên nhân ngoài hồng cầu:

  • Truyền nhầm nhóm máu 

  • Khác biệt yếu tố Rh mẹ con

  • Bệnh thiếu máu tan máu tự miễn (SLE)

  • Vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng

  • Thuốc, hóa chất: Sulfamid, quinin, benzen, phenol…

3. Chảy máu

  • Cấp tính: chấn thương, xuất huyết tạng nặng, phẫu thuật.

  • Mạn tính: trĩ, nhiễm giun móc, xuất huyết do loét dạ dày tá tràng/ viêm trực tràng chảy máu…

Nguyên nhân nào gây Bệnh Thiếu máu?

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Thiếu máu là gì?

Bệnh nhân thiếu máu có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt

  • Hoa mắt, chóng mặt, đặc biệt là khi thay đổi tư thế như đang ngồi đứng dậy nhanh

Thiếu máu Triệu chứng

Hoa mắt, chóng mặt là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân thiếu máu

  • Khó thở: khó thở khi gắng sức hoặc khó thở thường xuyên

  • Mệt mỏi, chán ăn

  • Đánh trống ngực, đặc biệt là khi làm việc nặng

  • Gan bàn tay trắng

  • Tóc khô dễ gãy

  • Nếu là phụ nữ có thể có rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh

  • Xét nghiệm máu thấy số lượng hồng cầu giảm, lượng huyết sắc tố, hematocrit giảm

Thiếu máu Triệu chứng

Gan bàn tay trắng là biểu hiện của thiếu máu

Tùy theo nguyên nhân thiếu máu mà có thể có các biểu hiện:

  • Sốt cao, rét run từng cơn hay sốt liên tục trong tan máu, sốt rét, leukemia

  • Có thể có vàng da, vàng niêm mạc, nước tiểu sẫm màu trong tan máu

  • Có thể có xuất huyết trong trường hợp thiếu máu kèm giảm tiểu cầu (leukemia cấp, suy tủy xương)

  • Có thể có phù trong trường hợp thiếu máu do suy thận

Biện pháp trị Thiếu máu và phác đồ điều trị Bệnh Thiếu máu là gì?

Nguyên tắc điều trị thiếu máu đó là xác định và điều trị theo nguyên nhân; phối hợp điều trị nguyên nhân và truyền bù khối hồng cầu. Điều trị triệu chứng kịp thời để tránh hậu quả xấu, đồng thời thận trọng khi chỉ định truyền máu cho bệnh nhân.

Điều trị một số nguyên nhân thiếu máu cụ thể như sau: 

1. Thiếu máu do thiếu yếu tố tạo máu

1.1. Thiếu máu do thiếu sắt: 

  • Xác định nguyên nhân gây thiếu sắt (trĩ, u xơ tử cung, giun móc…) và điều trị nguyên nhân.

  • Ăn chế độ giàu sắt: rau xanh, thịt bò, thịt nạc, bí ngô, nho, chuối, lòng đỏ trứng.

Thiếu máu Cách điều trị

Một số thực phẩm giàu sắt

  • Bổ sung sắt theo đường uống (liều 100-200 mg/ngày) hoặc đường tĩnh mạch.

  • Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi 1-2 tuần/lần cho đến khi nồng độ huyết sắc tố đạt 100 g/L, sau đó kiểm tra định kỳ hàng tháng đến hết phác đồ.

1.2. Thiếu máu do thiếu acid folic và/hoặc vitamin B12

  • Xác định nguyên nhân (cắt đoạn dạ dày, tổn thương gan do rượu,…) và điều trị nguyên nhân.

  • Chế độ ăn: các loại nấm, rau xanh, thịt, cá, gan, trứng, đậu đỗ, chuối.

  • Bổ sung acid folic: 5mg hàng ngày trong 4-6 tháng; vitamin B12: 1mg tiêm bắp 3 lần/tuần, tổng liều 10mg; sau đó duy trì liều 1mg/tháng.

  • Theo dõi và đánh giá kết quả điều trị định kỳ hàng tháng bằng xét nghiệm tế bào máu ngoại vi.

2. Thiếu máu do tan máu tự miễn

  • Dùng corticoid để điều trị ức chế miễn dịch.

  • Điều trị gamma globulin tĩnh mạch.

  • Cắt lách: được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng hoặc phụ thuộc corticoid với liều trên 20mg/ngày và/hoặc không có điều kiện sử dụng gamma globulin tĩnh mạch. Cân nhắc đối với bệnh nhân dưới 25 tuổi vì sau khi cắt lách có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng.

  • Điều trị hóa chất và các thuốc ức chế miễn dịch: Chỉ định với những trường hợp tái phát sau cắt lách và những phương pháp điều trị khác. 

  • Một số phương pháp điều trị khác: dùng kháng thể kháng CD20 (rituximab), trao đổi huyết tương, sử dụng danazol, tia xạ vùng lách hoặc ghép tế bào gốc tạo máu… 

3. Thiếu máu do tủy giảm sinh

  • Điều trị hỗ trợ: truyền khối hồng cầu, khối tiểu cầu…

  • Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại: nguồn tế bào gốc từ người cho trong gia đình (máu ngoại vi, máu dây rốn, dịch tủy xương) hoặc người cho không liên quan đến huyết thống.

  • Điều trị ức chế miễn dịch.

4. Thiếu máu do bệnh lý hồng cầu bẩm sinh

  • Truyền khối hồng cầu, duy trì huyết sắc tố khoảng 90 gam/lít. 

  • Thải trừ sắt định kỳ, đặc biệt là khi nồng độ ferritin lớn hơn 1.000 ng/ml.

  • Cắt lách: giảm bớt yêu cầu truyền máu trong trường hợp bệnh nhân mắc α- thalassemia.

  • Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại: Sử dụng nguồn tế bào gốc từ máu dây rốn, máu ngoại vi hoặc tủy xương của người cho hòa hợp kháng nguyên bạch cầu người.

5. Thiếu máu do mất máu mạn

- Tìm nguyên nhân để điều trị: ví dụ như tẩy giun móc, cắt u xơ tử cung, cầm máu và điều trị ổ loét dạ dày - tá tràng,...

- Bù sắt và các yếu tố cần để tạo máu.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.

Cập nhật: 30/04/2023 11:51