Biện pháp trị Tăng Kali máu và phác đồ điều trị Bệnh Tăng Kali máu là gì?
1. Phương pháp điều trị
1.1. Thuốc có tác dụng tranh chấp với Kali trên cơ tim
Canxi clorua hoặc Canxi gluconat tiêm tĩnh mạch, liều 0,5-2 g tùy từng bệnh nhân. Canxi không có tác dụng làm giảm nồng độ Kali máu, chỉ giúp làm ổn định màng tế bào cơ tim. Vì vậy để điều trị tăng Kali máu thì cần phải kết hợp với các biện pháp khác. Sau khi tiêm, canxi clorua có tác dụng ngay và tác dụng kéo dài 30-60 phút.
1.2. Thuốc có tác dụng vận chuyển Kali từ ngoài tế bào vào trong tế bào
-
Insulin và glucose: tác dụng của Insulin là chuyển Kali từ ngoài vào trong tế bào, cần bổ sung thêm glucose để tránh biến chứng hạ đường huyết cho bệnh nhân. Hiệu quả của insulin bắt đầu sau khi dùng 10 - 20 phút, đạt đỉnh sau 30 - 40 phút và kéo dài tác dụng từ 4 đến 6 giờ.
-
Natri bicarbonat: có tác dụng làm tăng pH máu, làm ion H+ giải phóng vào máu, giúp Kali di chuyển vào trong tế bào từ đó làm giảm Kali máu. Thời gian bắt đầu có tác dụng là sau khi dùng thuốc 6 giờ. Không nên dùng natri bicarbonat đơn độc để điều trị tăng Kali máu cũng như cho các người bệnh toan chuyển hóa nhẹ và vừa ( nồng độ HCO3 trên 18 meq/l).
-
Thuốc kích thích Beta 2 adrenergic (Albuterol): có tác dụng giống như insulin, giúp vận chuyển Kali máu vào trong tế bào. Thời gian tác dụng sau khi dùng thuốc 10-15 phút và tác dụng kéo dài 3-6 giờ.
1.3. Biện pháp đào thải Kali
-
Lợi tiểu quai (furosemid): thuốc có tác dụng đào thải Kali qua nước tiểu. Tuy nhiên ở những bệnh nhân suy thận nặng, chức năng đào thải Kali kém, hiệu quả hạ Kali máu của lợi tiểu quai kém đáp ứng.
-
Nhựa trao đổi cation (kayexalate): nhựa trao đổi cation liên kết với Kali, giúp ngăn ngừa Kali hấp thu qua ruột vào máu, sau đó Kali sẽ được đào thải qua phân. Biện pháp này có tác dụng sau khi dùng 1-2 giờ và kéo dài tác dụng 4-6 giờ.
-
Lọc máu cấp cứu ngắt quãng (thận nhân tạo hay thẩm tách máu) là biện pháp hiệu quả để đào thải Kali, có tác dụng nhanh chỉ sau 30 phút. Phương pháp này được chỉ định ở những bệnh nhân tăng Kali máu kém đáp ứng với điều trị bằng lợi tiểu hoặc bệnh nhân tăng Kali máu nặng có biểu hiện trên điện tim hoặc. Phương pháp lọc máu liên tục cho kết quả chậm hơn.
Chạy thận nhân tạo
2. Xử trí ban đầu
Nếu nghi ngờ bệnh nhân tăng Kali máu có ảnh hưởng đến điện tim, chỉ định canxi clorua tiêm tĩnh mạch liều 0,5- 1g trong 2-3 phút, có thể lặp lại liều sau 5 phút.
3. Xử trí tại bệnh viện
3.1. Có biểu hiện xét nghiệm, có rối loạn trên điện tim
-
Tiêm tĩnh mạch Canxi clorua 0,5g trong 2-3 phút. Nếu điện tim không có thay đổi, sau 5 phút có thể lặp lại liều. Mỗi lần tiêm tĩnh mạch chậm ống 0,5g, dùng liều từ 0,5- 2-3 g. Theo dõi thấy sóng T thấp dần xuống, phức bộ QRS hẹp lại.
-
Tiêm tĩnh mạch Furosemide 40-60mg.
-
Truyền 45 mmol Natri Bicarbonat khi pH < 7,15
-
Kayexalate (Resonium) 15-30 gam uống cùng với 50 gam sorbitol.
-
Dùng 10 UI insulin nhanh kết hợp với 50 - 100ml dung dịch glucose 20% truyền trong 20 - 30 phút.
-
Truyền tĩnh mạch 0,5mg Albuterol pha trong 100 ml dung dịch glucose 5% trong 15 phút hoặc Albuterol 10-20mg khí dung trong 15 phút.
-
Lọc máu cấp cứu ngay khi bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị lợi tiểu, hoặc thiểu niệu, vô niệu, kết hợp toan chuyển hóa nặng pH <7,10.
3.2. Có biểu hiện xét nghiệm, không có rối loạn trên điện tim
-
Tiêm tĩnh mạch Furosemide 40-60mg.
-
Kayexalate(resonium) 15-30 gam uống cùng với 50 gam sorbitol.
-
Lọc máu cấp cứu khi bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị lợi tiểu.
3.3. Tìm và điều trị nguyên nhân
-
Lưu ý trong trường hợp bệnh nhân tăng áp lực thẩm thấu và toan ceton do đái tháo đường thì điều trị nguyên nhân là chính.
-
Theo dõi liên tục điện tim trên monitor. Nếu điện tim không thay đổi, làm xét nghiệm Kali máu cho bệnh nhân 2 giờ/lần cho đến khi trở về mức bình thường. Nếu có biến đổi trên điện tim, cần làm xét nghiệm Kali máu ngay.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.