Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Hạ glucose máu là gì?
1. Mức độ nhẹ
Bệnh nhân thường có các triệu chứng như run chân tay, vã mồ hôi và đói. Đây là các triệu chứng của hệ thống thần kinh tự chủ. Các triệu chứng này sẽ biến mất sau khi ăn hoặc uống 10 – 15 gram carbohydrate khoảng 10 -15 phút. Bệnh nhân có khả năng tự điều trị được khi bị hạ glucose máu mức độ nhẹ.
Triệu chứng của hạ glucose máu
2. Mức độ trung bình
Ở mức độ này, bệnh nhân có các triệu chứng do đáp ứng của hệ thần kinh trung ương và của hệ thống thần kinh tự chủ như: thay đổi hành vi, đau đầu, giảm khả năng chú ý, dễ bị kích thích, ngủ gà. Thông thường bệnh nhân không đủ tỉnh táo để kết hợp điều trị với bác sĩ. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân mau chóng chuyển sang mức độ nặng.
3. Mức độ nặng
Ở mức độ này, glucose máu của bệnh nhân hạ rất thấp. Triệu chứng lâm sàng gồm mất cảm giác, co giật, hôn mê. Cần cấp cứu cho bệnh nhân bằng cách truyền glucose tĩnh mạch và/hoặc tiêm bắp hoặc tiêm dưới da glucagon.
4. Hạ glucose máu không triệu chứng
Những bệnh nhân bị hạ glucose máu không triệu chứng lặp lại nhiều lần sẽ gây ra các tác hại:
-
Làm "cùn" đi cơ chế hoạt động của các hormon ngăn chặn hạ glucose máu.
-
Hạ thấp ngưỡng "báo động" về nguy cơ hạ glucose máu của cơ thể.
Để chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần định lượng glucose máu. Khi glucose máu thấp hơn 3,1 mmol/l (thấp hơn 55 mg/dl) bắt đầu được xem là có hạ glucose máu tiềm tàng trên lâm sàng. Khi đã có hạ glucose máu không triệu chứng, bệnh nhân không nên tiếp tục luyện tập, không nên điều khiển phương tiện giao thông,…
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.