Biện pháp trị Giảm Natri máu và phác đồ điều trị Bệnh Giảm Natri máu là gì?
Điều trị giảm Natri máu tùy thuộc nguyên nhân. Trong quá trình điều trị, cần theo dõi chặt chẽ bilan nước vào-ra, cân nặng của người bệnh hàng ngày, làm xét nghiệm điện giải máu 3 - 6 giờ/lần để quyết định điều trị.
1. Điều trị theo nguyên nhân
1.1. Giảm Natri máu kèm ứ muối, ứ nước toàn thể
-
Hạn chế nước (dưới 300ml/ngày).
-
Hạn chế muối (chế độ ăn mỗi ngày chứa 3 - 6 g natri clorid).
-
Dùng lợi tiểu để đào thải nước và natri: furosemid liều 40 - 60 mg/ngày (có thể dùng liều cao hơn, tùy thuộc đáp ứng của bệnh nhân), chú ý bù kali cho bệnh nhân khi dùng lợi tiểu.
1.2. Giảm Natri máu với thể tích ngoài tế bào bình thường
-
Hạn chế nước (500ml nước/ngày).
-
Giảm Natri máu do hội chứng tăng tiết ADH bất thường: có thể cho bệnh nhân dùng thêm lợi tiểu quai.
-
Giảm Natri máu do sử dụng thiazid: ngừng dùng thuốc.
-
Giảm Natri máu do suy thượng thận, suy giáp: điều trị hormon.
-
Nếu giảm Natri máu nặng (nồng độ natri máu dưới 125 mmol/l hoặc bệnh nhân có các triệu chứng thần kinh trung ương): truyền natri clorid ưu trương. Có thể tiêm tĩnh mạch furosemid khi truyền natri clorua.
1.3. Giảm Natri máu kèm theo giảm thể tích ngoài tế bào
-
Điều trị song song nguyên nhân gây giảm Natri máu và điều chỉnh Natri máu.
-
Nếu bệnh giảm Natri máu không có triệu chứng: cung cấp natri clorid theo đường tiêu hóa cho bệnh nhân.
-
Giảm Natri máu ở bệnh nhân có tổn thương cơ do chấn thương: truyền natri clorid 0,9%.
-
Nếu giảm Natri máu nặng (nồng độ Natri máu dưới 125 mmol/l hoặc có triệu chứng thần kinh trung ương) hoặc có rối loạn tiêu hóa: truyền tĩnh mạch natri clorid ưu trương.
Truyền Natri clorid cho bệnh nhân
2. Điều chỉnh natri máu
2.1. Nguyên tắc điều chỉnh
-
Đối với bệnh nhân giảm Natri máu không có triệu chứng hoặc giảm Natri máu mạn tính (trên 2 ngày): điều chỉnh nồng độ Natri máu tăng không quá 8- 12 mmol/l trong 24 giờ hoặc 0,5 mmol/l trong 1 giờ.
-
Đối với bệnh nhân giảm Natri máu cấp tính (dưới 2 ngày), giảm Natri máu kèm theo triệu chứng thần kinh trung ương: điều chỉnh nồng độ Natri máu tăng 2 - 3 mmol/l trong 2 giờ đầu tiên. Sau đó, điều chỉnh tăng lên không quá 12 mmol/l trong 24 giờ hoặc 0,5 mmol/l trong 1 giờ. Nếu điều chỉnh nồng độ natri máu tăng lên quá nhanh, có nguy cơ gây ra tình trạng tiêu myelin ở trung tâm cầu não, được biểu hiện bởi một tình trạng rối loạn ý thức, rối loạn vận ngôn, liệt mềm, có thể dẫn tới tử vong.
2.2. Cách tính lượng natri cần bù
Natri cần bù = Tổng lượng nước cơ thể ước tính x (Natri cần đạt - Natri người bệnh)
Trong đó:
-
Natri cần bù: lượng Natri cần bù cho bệnh nhân trong thời gian nhất định.
-
Tổng lượng nước cơ thể ước tính: đối với nam được tính bằng cân nặng (tính theo kg) x 0,6, đối với nữ được tính bằng cân nặng (tính theo kg) x 0,5
-
Natri cần đạt: nồng độ natri máu cần đạt sau thời gian bù Natri.
-
Na người bệnh: nồng độ Natri máu của bệnh nhân trước khi bù Natri.
2.3. Loại dung dịch natri clorid được lựa chọn
-
Truyền dung dịch Natri clorid 0,9% để bù nước và natri.
-
Khi có giảm Natri máu nặng: dùng thêm dung dịch natri clorid ưu trương (dung dịch 3% hoặc 10%).
Chú ý: 1g NaCl = 17 mmol Na+, 1 mmol Na+ = 0,06 g NaCl. 1000ml dung dịch natri clorid 0,9% đẳng trương có chứa 154 mmol Na+. 1000 ml dung dịch natri clorid 3% có chứa 513 mmol Na+. 1000 ml dung dịch lactat ringer có chứa 130 mmol Na+ (+4 mmol K+).
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.