Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Liệt vận nhãn là gì?
-
Song thị: là triệu chứng điển hình của lác liệt, tuy nhiên không phải trường hợp lác liệt nào cũng có song thị. Ở phía hoạt trường của cơ bị liệt, song thị gia tăng tối đa. Độ lác càng cao thì tình trạng song thị càng rõ. Triệu chứng này có thể mất dần do xuất hiện tư thế bù trừ của đầu, cổ hoặc hiện tượng trung hòa, ức chế. Trong liệt dây thần kinh III: có thể song thị ngang đơn thuần nhưng đa số là song thị đứng. Trong liệt dây thần kinh IV: song thị tối đa khi nhìn vào trong, xuống dưới, song thị đứng. Trong liệt dây thần kinh VI: song thị ngang và là triệu chứng làm cho bệnh nhân đến khám sớm.
Song thị
-
Lác mắt: góc lác lớn nhất khi nhìn về hướng tác dụng của cơ bị liệt, góc lác thay đổi ở các hướng nhìn khác nhau. Độ lác nguyên phát nhỏ hơn độ lác thứ phát. Đây là triệu chứng cơ bản giúp chẩn đoán phân biệt liệt vận nhãn với lác cơ năng.
-
Hạn chế vận nhãn: hạn chế vận động tại hoạt trường của cơ bị liệt. Giai đoạn đầu của lác liệt, bệnh nhân thường có biểu hiện hạn chế vận nhãn của cơ bị liệt. Giai đoạn sau, cơ đối vận với cơ bị liệt có thể có biểu hiện quá hoạt. Khi thăm khám cho bệnh nhân, cần phải kiểm tra vận nhãn theo 9 hướng nhìn: nhìn thẳng, nhìn xuống dưới, nhìn lên trên, nhìn sang trái, nhìn sang phải, nhìn dưới trái, nhìn dưới phải, nhìn trên trái, nhìn trên phải để xác định hạn chế vận nhãn, so sánh hai mắt.
-
Tư thế bù trừ: tư thế vẹo cổ, lệch đầu để tránh song thị bằng cách đầu quay về phía hoạt trường của cơ bị liệt. Đối với liệt cơ cơ chéo hoặc cơ thẳng đứng, tư thế bù trừ phức tạp và thường đi kèm thay đổi tư thế cằm, lệch đầu, vẹo cổ. Đối với liệt cơ thẳng ngang, tư thế bù trừ thường là lệch mặt. Tư thế bù trừ còn chịu ảnh hưởng của sự biến đổi của các cơ đồng vận, phối vận. Do đó, ở giai đoạn sau của liệt vận nhãn, triệu chứng không còn điển hình như trong giai đoạn đầu.
-
Triệu chứng khác tại mắt: rối loạn cảm giác giác mạc, giãn đồng tử, giảm hoặc mất phản xạ đồng tử, soi đáy mắt có thể có hình ảnh xuất huyết, phù gai. Bên cạnh đó, cần làm một số khám nghiệm tại mắt như đo thị lực, thị trường, đo độ lồi mắt, đo nhãn áp (có thể cao). Cần làm các xét nghiệm để loại trừ nhược cơ như test prostigmin, tensilon, test nước đá.
-
Triệu chứng toàn thân: tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra liệt vận nhãn, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng cao huyết áp, liệt nửa người...
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.