Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Đục thủy tinh thể bằng cách nào?
1. Khai thác bệnh sử
Bệnh nhân thường đến khám khi có các triệu chứng sau :
-
Giảm thị lực: Thị lực giảm ít hay nhiều phụ thuộc vào vị trí và mức độ đục. Thị lực nhìn xa đặc biệt giảm. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể nhìn thấy các điểm đen trước mắt.
-
Cận thị hoá: ở một số bệnh nhân lớn tuổi có hiện tượng giảm số đo kính đọc sách. Nguyên nhân là do sự xơ cứng của nhân làm tăng công suất khúc xạ của thủy tinh thể, dẫn tới cận thị mức độ nhẹ hoặc trung bình nên nhìn gần rõ hơn.
-
Loá mắt: Bệnh nhân có thể phàn nàn vì loá mắt hoặc có thể chói mắt đối với ánh sáng ban ngày, ánh đèn pha hoặc các điều kiện tương tự vào ban đêm.
-
Ở bệnh nhân có tiền sử chấn thương mắt, có thể có loạn thị nặng, song thị một mắt.
Cần khai thác tiền sử bệnh về mắt và các bệnh toàn thân như đái tháo đường, cận thị nặng, viêm màng bồ đào.
2. Khám bệnh nhân đục thủy tinh thể
Khám phát hiện đục thủy tinh thể bằng ánh sáng thường, máy sinh hiển vi và máy soi đáy mắt. Cần tra thuốc giãn đồng tử và đánh giá vị trí cũng như mức độ đục.
Soi ánh đồng tử: nếu thủy tinh thể còn trong suốt, ánh đồng tử có màu hồng đều. Nếu thủy tinh thể có đám đục, sẽ nhìn thấy những vết đen trên nền ánh đồng tử hồng.
Khám bằng máy sinh hiển vi sẽ đánh giá được mức độ, vị trí đục và đánh giá sơ bộ được độ cứng của nhân thủy tinh thể:
-
Vị trí: đục nhân, đục vỏ, đục bao thủy tinh thể...
-
Mức độ đục thủy tinh thể: đục bắt đầu, đục tiến triển, đục gần hoàn toàn, đục hoàn toàn.
-
Khám đồng tử: đánh giá phản xạ của đồng tử đối với ánh sáng trực tiếp.
-
Tìm hướng ánh sáng mọi phía.
Khám mắt bằng máy sinh hiển vi
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.