Biện pháp trị Đục thủy tinh thể và phác đồ điều trị Bệnh Đục thủy tinh thể là gì?
1. Điều trị bằng thuốc
Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể phòng ngừa, làm chậm lại hoặc làm đảo ngược sự phát triển của đục thể thủy tinh thể. Có nhiều thuốc chống đục thủy tinh thể đang được nghiên cứu và phát triển, trong đó có các thuốc làm giảm Sorbitol, các thuốc làm tăng Glutathione và vitamin chống oxy hóa (ví dụ như vitamin C, vitamin E).
2. Điều trị bằng phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật để điều trị đục thủy tinh thể thông thường nhất là nguyện vọng muốn cải thiện thị giác của bệnh nhân. Quyết định phẫu thuật được căn cứ dựa vào chức năng thị giác suy giảm có gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và công tác của bệnh nhân hay không.
2.1. Đánh giá trước mổ
Hỏi tiền sử bệnh lý về mắt và toàn thân. Điều này rất quan trọng để phát hiện những yếu tố có thể ảnh hưởng tới phương pháp phẫu thuật hoặc tiên lượng thị giác sau mổ.
Khám mắt: đo thị lực, phản xạ đồng tử, hướng ánh sáng, đo khúc xạ giác mạc, đo chiều dài trục nhãn cầu, đo nhãn áp, bơm rửa lệ đạo.
Khám toàn thân: mục đích nhằm phát hiện các bệnh lý của bệnh nhân (ví dụ như đái tháo đường, lao,...), các ổ viêm lân cận (sâu răng, viêm xoang,...) cần điều trị ổn định.
2.2. Các phương pháp mổ đục thủy tinh thể
-
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể trong bao (intracapsular): Là lấy toàn bộ thủy tinh thể cùng lớp bao thủy tinh thể. Sau mổ bệnh nhân phải đeo kính. Ngày nay phương pháp phẫu thuật này chỉ còn được áp dụng trong những trường hợp lệch thủy tinh thể, hệ thống dây treo thủy tinh thể quá yếu.
-
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao (extracapsular): Là lấy đi khối nhân và toàn bộ chất vỏ thủy tinh thể cùng phần trung tâm của bao trước, để lại bao sau. Phương pháp này giúp hạn chế một số biến chứng sau mổ và để lại bao sau của thủy tinh thể, tạo vị trí giải phẫu tốt để có thể cố định thủy tinh thể nhân tạo.
-
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao đặt thủy tinh thể nhân tạo: Sau khi lấy toàn bộ nhân và vỏ thủy tinh thể thì đặt thủy tinh thể nhân tạo vào hậu phòng.
-
Phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm (phacoemulsification): Người ta dùng một kim dẫn động bằng siêu âm để tán nhuyễn nhân thủy tinh thể và hút chất thủy tinh thể qua lỗ kim đó. Hiện nay, phương pháp này được áp dụng rộng rãi ở nhiều cơ sở nhãn khoa. Phẫu thuật có những ưu điểm: vết mổ nhỏ, tiêm phòng luôn được khép kín nên an toàn hơn, thị lực phục hồi tốt, giảm độ loạn thị sau mổ và các biến chứng.
2.3. Các lưu ý sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể, người bệnh cần:
-
Đeo kính chống bụi, kể cả lúc ngủ để tránh vô tình dụi mắt.
-
Hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính, xem tivi, sử dụng máy tính.
-
Trước khi chạm vào mắt, luôn phải rửa tay sạch sẽ.
-
Rửa mi mắt bằng gạc và nước rửa mắt hàng ngày để lấy đi chất dịch bám vào mắt.
-
Uống thuốc và sử dụng thuốc nhỏ mắt như bác sĩ hướng dẫn, kể cả khi cảm thấy mắt đã ổn.
-
Không đi bơi, không làm việc nặng, hoạt động mạnh trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật..

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.