Bệnh Lý » Bệnh » Bệnh Mắt » Đau mắt hột

Đau mắt hột là gì? Nguyên nhân, triệu chứng-điều trị

Đau mắt hột là gì? Nguyên nhân, triệu chứng (dấu hiệu nhận biết-biểu hiện), xét nghiệm-chẩn đoán và biện pháp phác đồ điều trị khi bị Đau mắt hột. Phân loại Bệnh Đau mắt hột có mấy loại? Ngoài ra, các thông tin khác bổ sung về Bệnh Đau mắt hột bao gồm: Cách phòng ngừa, các giai đoạn Bệnh Đau mắt hột, những biến chứng thường gặp và đối tượng nguy cơ mắc Bệnh Đau mắt hột. Và những điều cần biết khác về Đau mắt hột. Tìm hiểu xem Bệnh Đau mắt hột có nguy hiểm không? Đau mắt hột có lây không? Đau mắt hột có di truyền không?

Đau mắt hột

Đau mắt hột là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, xét nghiệm và chẩn đoán. Biện pháp điều trị Đau mắt hột

Đau mắt hột là bệnh gì?

Mắt hột là một bệnh viêm kết mạc và giác mạc mạn tính do Chlamydia Trachomatis. Bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi trẻ, kéo dài nếu không được điều trị hoặc bội nhiễm. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa nhưng có thể phòng tránh được.

Mắt hột là một bệnh mạn tính, tiến triển theo các giai đoạn và hình thái khác nhau. Phân loại mắt hột nhằm mục đích đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch phòng chống đau mắt hột và đánh giá kết quả điều trị.

Phân loại của Tổ chức y tế thế giới (WHO): Đánh giá tổn thương ở kết mạc sụn mi trên theo 5 dấu hiệu

  • TF (Trachomatous inflammation Follicular): đau mắt hột có hột. Có ít nhất 5 hột kích thước lớn hơn 0,5mm ở vùng trung tâm.

  • TI (Trachomatous inflammation - Intense): đau mắt hột nặng. Kết mạc dày lên và đỏ, ½ mạch máu của kết mạc bị che mờ bởi thâm nhiễm tế bào viêm.

  • TS (Trachomatous Scarring): sẹo kết mạc do đau mắt hột. Sẹo kết mạc là các đoạn xơ trắng, dải sẹo, mạng lưới hoặc hình sao.

  • TT (Trachomatous Trichiasis): Lông xiêu, lông quặm. Có ít 1 lông xiêu cọ vào nhãn cầu, hoặc người bệnh mới nhổ lông xiêu.

  • CO (Corneal Opacity): Sẹo đục giác mạc do mắt hột.

Phân loại của WHO chia bệnh mắt hột thành 2 loại sau:

  • Mắt hột hoạt tính gồm TF và TI. TF là bệnh mắt hột vừa và nhẹ. TI là bệnh mắt hột nặng. Nếu ở trẻ em dưới 10 tuần tuổi, tỉ lệ TF lớn 20%, TI lớn 5% thì cần điều trị tích cực

  • Mắt hột có biến chứng hoặc di chứng: TS: bệnh mắt hột, đã có sẹo; TT: bệnh mắt hột có biến chứng; CO: bệnh mắt hột có nguy cơ gây mù.

Đau mắt hột là bệnh gì?

Nguyên nhân nào gây Bệnh Đau mắt hột?

Nguyên nhân gây ra đau mắt hột là Chlamydia Trachomatis. Đây là vi khuẩn thuộc họ Chlamydiaceae, thuộc nhóm vi khuẩn gram âm. Chlamydia Trachomatis mang cả đặc tính của vi khuẩn và vi rút. 

Đau mắt hột Nguyên nhân

Chlamydia Trachomatis là nguyên nhân gây đau mắt hột

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Đau mắt hột bằng cách nào?

1. Tiêu chuẩn chẩn đoán

Chẩn đoán mắt hột dựa trên các tiêu chí sau:

  • Hột ở kết mạc sụn mi trên: chỉ tính các hột ở vùng trung tâm, không tính ở hai góc và bờ trên sụn. Cần phân biệt hột với các nang nhỏ và sạn vôi.

  • Sẹo điển hình ở kết mạc sụn mi trên. Cần phân biệt với sẹo trong viêm kết mạc có giả mạc hoặc sẹo do bỏng.

  • Hột vùng rìa cực trên hoặc di chứng của hột (lõm hột)

  • Màng máu trên giác mạc.

Chẩn đoán xác định đau mắt hột khi có 2 trong 4 tiêu chí trên. Ở những có tỉ lệ cao mắt hột

nặng thì chỉ cần có 1 trong 4 tiêu chuẩn.

2. Cận lâm sàng

Nạo nhẹ kết mạc sụn mi trên hoặc chích hột để làm xét nghiệm tế bào học, có thể nhìn thấy:

  • Thể vùi trong chất nguyên sinh của tế bào biểu mô (CPH (+))

  • Tế bào lympho non, nhỡ, già.

  • Đại thực bào Leber.

  • Thoái hoá của tế bào biểu mô.

3. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc hột và viêm kết mạc mùa xuân

  • Viêm kết mạc hột: các hột cùng lứa tuổi, kích thước đều nhau, không vỡ.

  • Viêm kết mạc mùa xuân: tổn thương đặc trưng là các nhú to, dẹt, có hình đa diện ở kết mạc sụn mi trên.

Biện pháp trị Đau mắt hột và phác đồ điều trị Bệnh Đau mắt hột là gì?

1. Các thuốc điều trị

Thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin 1%:

  • Điều trị liên tục: tra mắt 2 lần mỗi ngày trong 6 tuần liên tục.

  • Điều trị ngắt quãng: tra mắt 1 lần mỗi ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ, liên tục 10 ngày 1 tháng trong 6 tháng liền. Hoặc tra mắt 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày/tháng trong 6 tháng.

Thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin 1% có nhiều ưu điểm như rẻ tiền, dễ mua, có thể dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ mang thai. Nhược điểm là tra mắt thời gian kéo dài nên bệnh nhân khó thực hiện đúng. 

Đau mắt hột Cách điều trị

Thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin 1% là thuốc điều trị bệnh mắt hột

Thuốc kháng sinh theo đường toàn thân chỉ được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân mắt hột nặng.

  • Erythromycin 250mg: bệnh nhân uống 4 viên/ngày trong 3 tuần.

  • Zithromax (Azithromycin): Azithromycin là kháng sinh tương tự như erythromycin, nhưng có tác dụng tốt hơn. Do azithromycin có khả năng thâm nhập mạnh vào mô tế bào, nồng độ thuốc cao và kéo dài, dùng 1 liều duy nhất 1 lần/năm.

Chương trình điều trị bệnh mắt hột chủ yếu dựa trên duy trì kháng sinh tra mắt hàng loạt. Bắt đầu điều trị rộng rãi và tích cực bằng thuốc có khả năng làm giảm lây lan Chlamydia ở mắt trong cộng đồng. Sau đó tiếp tục tra thuốc ngắt quãng trong từng gia đình để khống chế sự lan truyền Chlamydia từ mắt sang mắt.

2. Điều trị các biến chứng

  • Viêm mủ túi lệ: phẫu thuật nối thông lệ mũi.

  • Khô mắt: dùng nước mắt nhân tạo, tra thuốc.

  • Mổ quặm: là phương pháp điều trị cần thiết để phòng mù lòa do đau mắt hột cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có ít hơn 5 lông xiêu, mức độ chọc vào mắt chưa nhiều, và chưa có điều kiện để mổ ngay thì phải tra thuốc mỡ tetracyclin 1% hàng ngày và nhổ lông xiêu thường xuyên rồi đi mổ sau. Nếu bệnh nhân có từ 5 lông xiêu trở lên cần đi mổ quặm ngay.

Biện pháp phòng ngừa Bệnh Đau mắt hột như thế nào?

1. Biện pháp dự phòng

  • Cải thiện vệ sinh môi trường nhằm hạn chế lây bệnh và tái nhiễm trong gia đình và cộng đồng: tạo nguồn cung cấp nước sạch, diệt ruồi, giữ vệ sinh môi trường.

  • Giáo dục mọi người giữ gìn vệ sinh cá nhân: dùng nước sạch để rửa mặt, không sử dụng chung khăn lau mặt, ...

  • Nếu trong gia đình có người bị mắt hột cần phải điều trị ngay, phải đi mổ quặm, nhổ lông xiêu nếu có để tránh biến chứng mù lòa.

2. Chiến lược phòng chống bệnh mắt hột của Tổ Chức Y tế Thế giới 

WHO đưa ra chiến lược SAFE được áp dụng ở nhiều nước với nội dung: 

  • S (Phẫu thuật): sửa các bất thường của mí mắt (ví dụ, quặm và lông xiêu) khiến cho người bệnh có nguy cơ bị mù

  • A (Kháng sinh): để điều trị cho bệnh nhân, chỉ định kháng sinh rộng rãi nhằm giảm gánh nặng bệnh tật ở cộng đồng

  • F (Rửa mặt): rửa mặt sạch sẽ để giảm lây truyền bệnh từ cá nhân bị nhiễm bệnh

  • E (Cải thiện môi trường): để giảm sự lây truyền bệnh và phòng tái nhiễm trên bệnh nhân.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.

Cập nhật: 02/05/2023 23:52