
Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh tắc nghẽn đường dẫn khí không hồi phục hoàn toàn. Tắc nghẽn đường dẫn khí thường tiến triển nặng lên và phối hợp với đáp ứng viêm bất thường ở phổi đối với các phần tử hoặc khí độc hại.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đứng thứ 6 trong 10 bệnh thường gặp và tính đến năm 2020 đứng thứ 3. Là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 4 trên thế giới sau tim mạch, ung thư, bệnh mạch não. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản ở Việt Nam chiếm 10% tỷ lệ dân số.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính?
Khó xác định nguyên nhân gây ra viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, thường có sự lẫn lộn giữa nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ mắc viêm phổi tắc nghẽn mạn tính là kết quả tương tác giữa gen và môi trường.
1. Thuốc lá
Là nguyên nhân chính gây bệnh và tử vong do bệnh. Có 80-90% bệnh nhân mắc viêm phổi tắc nghẽn mạn tính có hút thuốc lá. Hút thuốc lá thụ động có nguy cơ cao mắc viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Và với trẻ em trong gia đình có người hút thuốc thường bị các bệnh đường hô hấp với tỷ lệ cao hơn trẻ em trong gia đình không có người hút thuốc.
Thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh và tử vong do bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính
2. Các yếu tố khác
-
Ô nhiễm môi trường: làm việc tiếp xúc nhiều với bụi, hóa chất nghề nghiệp (chất kích thích, hơi, khói), ô nhiễm không khí trong và ngoài nhà (khói do bếp đun, than…)
-
Nhiễm trùng: vừa là nguyên nhân vừa là điều kiện khởi phát lên viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhiễm trùng làm tăng tính phản ứng của phế quản, đóng vai trò quan trọng trong các đợt cấp của viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.
-
Stress oxy hóa: có quá nhiều chất oxy hóa và/hoặc suy giảm chất chống oxy hóa
-
Gen: Gen được biết rõ nhất liên quan đến nguy cơ viêm phổi tắc nghẽn mạn tínH là thiếu hụt bẩm sinh alpha-1 antitrypsin.
-
Ngoài ra thì yếu tố về giới tính cũng là nguyên nhân và nguy cơ tăng mắc bệnh.
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
1. Triệu chứng lâm sàng
-
Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính khởi phát ở tuổi 50-60, ở những người có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, hoặc nghề nghiệp có tiếp xúc với khói, bụi ô nhiễm môi trường.
-
Đặc điểm của viêm phổi tắc nghẽn mạn tính là các triệu chứng ngày một tăng: ho, khó thở, khạc đờm kéo dài và nặng dần.
Ho, khó thở, khạc đờm là những biểu hiện quan trọng của bệnh
-
Khó thở khi gắng sức, xuất hiện từ từ, tăng dần, ở giai đoạn muộn có khó thở liên tục.
-
Ho kéo dài: có thể ho khan, ho từng lúc. Ho nhiều về buổi sáng, ho cơn hoặc ho từng tiếng có kèm theo khạc đờm.
-
Khạc đờm mạn tính: các bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mạn tính thường có khạc đờm kéo dài, đờm nhầy và trong.
-
Đợt cấp viêm phổi tắc nghẽn mạn tính: thường khởi phát do nhiễm trùng, thường có những biểu hiện: Nhịp tim nhanh, khó thở, thở nhanh, nghe có tiếng cò cừ. Ho đờm màu vàng xanh, đặc quánh. Bệnh nhân mệt sốt, rét run. Buồn ngủ, mất ngủ, trầm cảm và rối loạn ý thức.
2. Một số triệu chứng khi khám lâm sàng
-
Khi thở, nhất là khi gắng sức bệnh nhân thường có kiểu thở mím môi.
-
Bệnh nhân sử dụng các cơ hô hấp phụ như cơ liên sườn, co kéo hõm ức, hố thượng đòn.
-
Lồng ngực bệnh nhân hình thùng.
-
Dấu hiệu Campbell: Khí quản bị co ngắn lại tụt xuống hõm ức khi hít vào
-
Dấu hiệu Hoover: Sự thu/ giảm đường kính của đáy lồng ngực khi hít vào
-
Nghe: tiếng tim mờ nhỏ, rì rào phế nang giảm, có thể thấy có ran rít, ran ngáy, ran ẩm và ran nổ.
-
Biểu hiện của tăng áp lực động mạch: Mắt lồi như mắt ếch do tăng mạch máu màng tiếp hợp.
-
Tim đập nhanh – nhịp tim tăng, có thể có loạn nhịp hoàn toàn.
-
Tĩnh mạch cổ nổi
-
Có đau hạ sườn phải lan tỏa ra sau lưng.
-
Phù chân và cổ trướng.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính bằng cách nào?
1. Đo chức năng hô hấp
-
Chẩn đoán xác định khi: chỉ số FEV1/FVC < 70% - rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn sau test hồi phục phế quản.
-
Test giãn phế quản âm tính
2. Điện tâm đồ có thể có dấu hiệu tâm phế mạn
3. Xquang phổi
Biểu hiện nhiều ở giai đoạn sau
-
Các nhánh phế huyết quản tăng dần.
-
Dấu hiệu của giãn phế nang: trường phổi quá sáng, xương sườn nằm ngang, khoang liên sườn giãn rộng, lồng ngực giãn, tăng khoảng sáng trước và sau tim.
-
Mạch máu ngoại vi ít, thưa thớt.
-
Cung động mạch phổi nổi.
-
Tim không to hoặc hơi to, tim dài và thông, giai đoạn cuối: tim to toàn bộ.
4. CTscan
CT scan độ phân giải cao nhằm xác định vị trí, độ rộng, mức độ của khí phế thũng, xác định độ dày thành phế quản và hình ảnh giãn phế quản kèm theo.

Biện pháp trị Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính và phác đồ điều trị Bệnh Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
1. Mục tiêu điều trị
-
Làm chậm diễn biến của bệnh
-
Giảm thiểu tối đa tần số, mức độ của đợt cấp và biến chứng.
-
Làm giảm nhiều nhất các triệu chứng có thể xuất hiện ở bệnh nhân bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính
-
Tăng cường giáo dục thông tin cho bệnh nhân các kiến thức, gia tăng hiểu biết về bệnh.
-
Đảm bảo chất lượng cuộc sống.
-
Giảm tỷ lệ tử vong do viêm phổi tắc nghẽn mạn tính
2. Sử dụng thuốc
-
Thuốc giãn phế quản: Ưu tiên sử dụng dạng hít có định liều. Có thể chọn 1 hoặc phối hợp các loại thuốc. Thuốc giãn phế quản : B2-agonists, Anticholinergic, Methylxanthine
-
Corticoid: Ưu tiên dạng xịt định liều, khí dung: Beclomethasone, Budesonide, Fluticasone. Hoặc dùng đường toàn thân: uống, tiêm truyền
Ưu tiên dạng thiếu hít định liều cố định cho BN mắc viêm phổi tắc nghẽn mạn tính
-
Thuốc khác: Sử dụng kháng sinh khi bệnh nhân có nhiễm khuẩn. Thuốc làm thay đổi độ nhầy của đờm: ambroxol, erdosteine, carbocysteine. Hay Antioxidants (N-acetylcysteine) có vai trò làm giảm các đợt cấp của viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.
3. Biện pháp không dùng thuốc trong điều trị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính
-
Bỏ thuốc lá, tránh khói bụi, vệ sinh mũi họng
-
Sử dụng trị liệu oxy dài hạn liều thấp qua xông mũi tại nhà.
-
Phục hồi cải thiện chức năng hô hấp: thường xuyên tập thể dục - các bài tập nhẹ và đặc biệt cần phải tập thở ở những bệnh nhân này.
-
Hình thành chế độ dinh dưỡng hợp lý: chia thành nhiều bữa ăn, mỗi bữa số lượng ít và nhiều năng lượng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.