
Viêm đường hô hấp trên là bệnh gì?
Viêm đường hô hấp trên là một trong những bệnh phổ biến, thường gặp, hay tái phát, có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Các bệnh về viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện theo mùa, nhất là vào mùa thu và mùa đông. Một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên hay gặp là: viêm xoang, cảm cúm, viêm thanh quản… Những đối tượng dễ mắc bệnh là người cao tuổi, trẻ em, người bị suy giảm miễn dịch.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Viêm đường hô hấp trên?
Đường hô hấp trên gồm các bộ phận: mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Đường hô hấp trên có nhiệm vụ: lấy không khí từ môi trường vào cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Viêm đường hô hấp trên là khi một hoặc nhiều các bộ phận của đường hô hấp trên bị viêm.
Cấu tạo hệ hô hấp
Nguyên nhân gây ra phần lớn bệnh viêm đường hô hấp trên là do vi rút. Ngoài ra, vi khuẩn, nấm, bụi, khí độc cũng có thể gây bệnh. Một số loại vi rút gây bệnh điển hình như: Rhinovirus, Corona, Adenovirus. Một số loại vi khuẩn thường gặp là liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu, Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng một số loại nấm... Vi nấm như Candida albicans cũng có thể gây bệnh ở đường hô hấp trên.
Sau đây là một số bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp và nguyên nhân gây bệnh:
-
Cảm cúm: Đây là bệnh xảy ra do nhiễm vi rút cúm.
-
Viêm họng cấp: 80% trường hợp viêm họng được gây ra bởi các chủng vi rút phổ biến là rhinovirus, adenovirus, vi rút cúm,... 20% do các vi khuẩn như liên cầu khuẩn, tụ cầu, phế cầu.
-
Viêm mũi dị ứng: là tình trạng mũi bị kích thích bởi khói bụi, khói thuốc lá, phấn hoa, lông động vật, hóa chất “nặng mùi”, nấm mốc,... làm cho niêm mạc mũi bị viêm sưng, phù nề.
-
Viêm xoang: vùng xoang xung quanh mũi bị viêm nhiễm do dị ứng hoặc tác nhân vi rút, vi khuẩn.
-
Viêm thanh quản: xảy ra khi dây thanh âm bị sưng lên, làm cho người bệnh khản hoặc mất giọng. Nguyên nhân có thể do vi rút, vi khuẩn hoặc tác nhân cơ học (như nói nhiều, hét to).
Viêm đường hô hấp trên có khả năng lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác thông qua các giọt bắn của người bệnh. Ngoài ra, nếu chạm tay vào bề mặt có dính vi rút hoặc vi khuẩn gây bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc viêm đường hô hấp trên:
-
Đến những nơi đông người
-
Tiếp xúc với nhiều người
-
Có các bệnh lý tự miễn
-
Đã cắt bỏ amidan, nạo VA
-
Hút thuốc lá
-
Suy giảm miễn dịch: do bệnh lý (như HIV), hay do sử dụng một số thuốc ức chế miễn dịch (như corticosteroid) dài hạn…
-
Môi trường sống: ẩm thấp, điều kiện vệ sinh kém, ở phòng có điều hòa với nhiệt độ thấp
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Viêm đường hô hấp trên là gì?
Viêm đường hô hấp trên có thời gian ủ bệnh ngắn và tốc độ biểu hiện bệnh nhanh. Phụ thuộc vào cơ quan nào bị bệnh mà sẽ có những triệu chứng điển hình và đặc thù khác nhau. Mặc dầu vậy, các bộ phận của đường hô hấp trên đều thông với nhau. Do đó khi một cơ quan bị viêm thì có thể sẽ nhanh chóng lây lan sang cơ quan liền kề và gây nên tổ hợp triệu chứng.
Người bệnh bị viêm đường hô hấp trên có thể gặp một số triệu chứng sau đây:
-
Ho: người bệnh có thể ho khan hay ho có đờm
Ho là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm đường hô hấp trên
-
Nghẹt mũi, chảy nước mũi liên tục
-
Hắt hơi nhiều
-
Sốt: có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao thành cơn
-
Đau rát họng
-
Khó chịu khi nuốt thức ăn
-
Khó chịu, đau nhức ở vùng xoang
-
Giọng nói thay đổi: khàn tiếng, có khi mất tiếng
-
Đau đầu, mệt mỏi, cơ bắp rã rời
-
Với trẻ em, biếng ăn, quấy khóc, nôn là các triệu chứng thường xuất hiện
Thông thường, viêm đường hô hấp trên là bệnh không quá nguy hiểm, thường kéo dài vài ngày đến 1 tuần. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới một số biến chứng. Ví dụ như ảnh hưởng tới giấc ngủ, cơ thể mệt mỏi, tắc xoang, nhiễm trùng mắt. Các biến chứng nặng bao gồm áp xe họng, nhiễm trùng huyết, viêm đường hô hấp dưới.
Biện pháp trị Viêm đường hô hấp trên và phác đồ điều trị Bệnh Viêm đường hô hấp trên là gì?
Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng đường hô hấp trên thường là do vi rút. Biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Người bệnh có thể chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống tăng cường dinh dưỡng, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm đau hạ sốt. Tuy nhiên, các nhiễm trùng nguyên nhân do vi rút có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn, do đó đôi khi phải điều trị bằng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm.
1. Thuốc điều trị
Thuốc điều trị cho bệnh nhân viêm đường hô hấp trên là các thuốc điều trị triệu chứng. Sau đây là một số loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm đường hô hấp trên:
-
Thuốc hạ sốt: Paracetamol, ibuprofen. Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38.5 độ C.
-
Các thuốc kháng histamin: để giảm tiết dịch và nghẹt mũi.
-
Thuốc điều trị ho: dextromethorphan, codein. Các thuốc này có tác dụng giảm ho, giúp người bệnh bớt khó chịu.
-
Thuốc long đờm: acetylcystein, bromhexin. Các thuốc này được sử dụng khi người bệnh có đờm đặc ở họng. Thuốc có tác dụng làm loãng đờm, giúp việc khạc đờm dễ dàng hơn.
-
Thuốc giảm viêm, phù nề đường hô hấp.
-
Thuốc nhỏ mũi điều trị nghẹt mũi.
-
Kháng sinh: dùng trong một số trường hợp viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn. Tuy nhiên, không tự ý sử dụng kháng sinh mà cần sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ.
2. Điều trị không dùng thuốc:
Ngoài việc sử dụng thuốc, có thể dùng các biện pháp điều trị không dùng thuốc cho người bị viêm đường hô hấp trên:
-
Nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
-
Khi sốt cao: ngoài dùng thuốc hạ sốt có thể dùng khăn chườm trán, thay quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, bổ sung điện giải bằng Oresol.
-
Ho: Sử dụng các loại xịt họng thảo dược, các bài thuốc trị ho dân gian như quất hấp đường phèn, hẹ hấp đường phèn. Đây là những biện pháp khá hiệu quả và an toàn.
-
Chảy nước mũi: Làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý, có thể sử dụng có dụng cụ lấy dịch mũi.
-
Súc miệng bằng nước muối sinh lý.

Biện pháp phòng ngừa Bệnh Viêm đường hô hấp trên như thế nào?
Để ứng phó với viêm đường hô hấp trên, biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó nên thực hiện một số biện pháp để phòng các bệnh viêm đường hô hấp trên bao gồm:
-
Vệ sinh, giữ gìn môi trường sống xung quanh thoáng mát, sạch sẽ.
-
Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
-
Không hút thuốc lá, tránh khói thuốc.
-
Tăng cường tập thể dục, vận động thể lực phù hợp để nâng cao sức khỏe.
-
Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi ra ngoài về.
-
Tránh tiếp xúc khoảng cách gần với những người có dấu hiệu bệnh.
-
Vệ sinh các vật dụng mọi người hay tiếp xúc, như điều khiển TV, tay nắm cửa, điện thoại,...
-
Đeo khẩu trang nếu có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên để tránh lây lan.
-
Tiêm phòng cúm.
-
Hạn chế đi tới nơi đông người vào mùa dịch bệnh.
-
Tránh nằm điều hòa nhiệt độ quá thấp.
-
Đảm bảo cơ thể được giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa.
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa
-
Tắm nước ấm, lau khô người sau khi tắm, tắm trong phòng kín gió.
-
Vệ sinh răng miệng đúng cách, súc họng bằng nước muối sinh lý.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.