Nguyên nhân nào gây Bệnh Mụn trứng cá?
Mụn trứng cá hình thành dưới tác động của 3 yếu tố: tăng sản xuất chất bã, sừng hóa cổ nang lông và sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes.
1. Tăng tiết chất bã
Hoạt động của tuyến bã được điều tiết bởi các hormon. Các hormon này kích thích hoạt động và sự phát triển thể tích của tuyến bã, làm tăng bài tiết chất bã.
2. Sừng hóa cổ nang lông
Cổ nang lông bị sừng hóa làm hẹp ống bài xuất tuyến bã. Chất bã không thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong lòng tuyến bã, lâu ngày bị cô đặc hình thành nhân trứng cá.
3. Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes)
Bình thường P. acnes cư trú vô hại trên da. Khi các lỗ nang lông bị ứ đọng, chất bã và tế bào chết sẽ tạo môi trường kỵ khí và P. acnes sẽ tăng hoạt động và gây bệnh.
4. Một số yếu tố khác
-
Tuổi: mụn trứng cá thường gặp ở thanh thiếu niên. 90% trường hợp mụn trứng cá gặp ở lứa tuổi 13-19, sau đó bệnh giảm dần.
-
Giới: mụn trứng cá gặp ở nữ nhiều hơn nam, nhưng bệnh ở nam thường nặng hơn ở nữ.
-
Yếu tố gia đình: theo Goulden, 100 bệnh nhân bị mụn trứng cá thì có 50% có tiền sử gia đình.
-
Yếu tố thời tiết, chủng tộc: khí hậu hanh khô nóng ẩm liên quan đến bệnh trứng cá; người da trắng, da vàng bị trứng cá nhiều hơn người da đen.
-
Yếu tố nghề nghiệp: khi tiếp xúc nhiều với dầu mỡ, ánh nắng mặt trời,…làm tăng khả năng bị bệnh.
-
Yếu tố stress: có thể gây bệnh hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh trứng cá.
Stress có thể gây bệnh trứng cá hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh.
-
Chế độ ăn: một số thức ăn có thể làm nặng thêm bệnh trứng cá như đường, bơ, cà phê…
-
Các bệnh nội tiết: một số bệnh như Cushing, buồng trứng đa nang, cường giáp,…làm tăng trứng cá.
-
Thuốc: một số thuốc làm tăng trứng cá, thường gặp là corticoid, isoniazid, thuốc có nhóm halogen, androgen (testosteron), lithium…
-
Một số nguyên nhân tại chỗ: vệ sinh da mặt, chà xát, nặn mụn không đúng cách, lạm dụng mỹ phẩm.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.