
Chàm môi là bệnh gì?
Chàm môi là tình trạng viêm da phổ biến, xuất hiện trên môi và các vùng da quanh miệng khiến người bệnh đau đớn và gây mất thẩm mỹ. Bệnh có thể biểu hiện bằng các triệu chứng như môi khô, nứt nẻ, tróc vảy. Ở mức độ nặng hơn, tình trạng viêm có thể lan tới những vùng da xung quanh miệng với các triệu chứng đỏ da, da phù nề, xuất hiện mụn nước hoặc vết loét nông.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Chàm môi?
Một số nguyên nhân có thể gây chàm môi:
-
Thói quen liếm môi.
-
Ô nhiễm môi trường.
-
Môi trường lạnh, gió, độ ẩm thấp.
-
Các dị nguyên: những nghề nghiệp tiếp xúc với những chất gây kích ứng. Các chất gây kích ứng có trong các loại mỹ phẩm như son môi, kem chống nắng, các sản phẩm trang điểm, sơn móng tay, sản phẩm vệ sinh răng miệng (kem đánh răng, nước súc miệng). Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm như trái cây họ cam quýt, xoài và quế cũng có thể là nguyên nhân gây chàm môi.
-
Yếu tố di truyền: bệnh chàm môi có thể di truyền từ bố mẹ sang con. Bệnh chàm môi liên quan giữa anh em ruột nhiều hơn là giữa bố mẹ và con cái do môi trường sống thời thơ ấu ảnh hưởng.
-
Bệnh nhân viêm da cơ địa hoặc có tiền sử mắc bệnh cơ địa.
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Chàm môi là gì?
Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân chàm môi:
-
Môi khô, bong vảy.
-
Môi bị viêm, ngứa. mẩn đỏ.
-
Các triệu chứng của bệnh có thể xảy ra ở môi trên, môi dưới hoặc cả hai môi, có thể lan rộng ra vùng da xung quanh môi và miệng.
-
Màu sắc da xung quanh môi thay đổi sang màu nâu hoặc nâu đỏ đối với người da trắng.
-
Chàm môi gây ngứa, đau rát, khó chịu, môi khô và bong tróc từng mảng lớn. Nếu bệnh nặng có thể gây lở loét, xuất hiện mụn nước xung quanh miệng, gây bất tiện cho bệnh nhân khi giao tiếp, ăn uống.
Nếu không được điều trị, bệnh gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và giấc ngủ của bệnh nhân. Vùng da quanh môi có thể bị nhiễm trùng, xuất hiện mủ, vảy vàng. Khi xuất hiện các triệu chứng như trên, bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Chàm môi bằng cách nào?
Các triệu chứng của bệnh chàm môi rất dễ nhầm lẫn với một số tình trạng khác như mụn rộp, nứt nẻ môi, loét miệng, mụn nhọt ở môi. Để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ sẽ kiểm tra môi, vùng da xung quanh và bên trong khoang miệng một cách kỹ càng. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về bạn về tiền sử gia đình và bản thân, tình hình sức khỏe, các loại thuốc đang sử dụng và những loại hóa chất bạn tiếp xúc gần đây.
Biện pháp trị Chàm môi và phác đồ điều trị Bệnh Chàm môi là gì?
Chàm môi nếu không được điều trị sẽ dễ để lại sẹo và có thể gây nhiễm trùng, nặng hơn có thể gây ra bội nhiễm nguy hiểm. Một số phương pháp để điều trị chàm môi bao gồm:
-
Đối với trường hợp chàm môi mức độ nhẹ: có thể dùng một số sản phẩm dưỡng ẩm như vaseline, son dưỡng ẩm với thành phần vitamin E, dầu khoáng, các loại dầu thực vật, … Nên bôi các sản phẩm dưỡng môi này nhiều lần trong ngày.
-
Đối với các trường hợp chàm môi nghi ngờ do dị ứng son môi, thức ăn hay sản phẩm chăm sóc răng miệng, cần để ý để xác định nguyên nhân và hạn chế tiếp xúc. Điều này sẽ giúp làm giảm triệu chứng bệnh và bệnh ít tái phát.
-
Các trường hợp chàm môi mức độ nặng (bệnh nhân sưng môi, xuất hiện mụn nước hoặc chảy dịch): sử dụng các thuốc kháng histamin, kháng viêm, kháng khuẩn để điều trị dưới hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ.
Đồng thời, bệnh nhân cần thực hiện những biện pháp sau:
-
Cung cấp nước cho cơ thể đầy đủ.
-
Vệ sinh kỹ môi, và vùng da quanh miệng sau khi ăn.
-
Hạn chế ăn các loại đồ ăn có nhiều gia vị cay nóng.
-
Hạn chế liếm môi hoặc cạy bóc vảy trên môi.
-
Tuân thủ hướng dẫn điều trị của của bác sĩ.
-
Hạn chế căng thẳng, có lối sống tích cực.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị.
-
Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, không ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.