
Chàm là bệnh gì?
Chàm là một bệnh viêm da gây ngứa, đỏ, khô và kích ứng da. Đây là bệnh về da rất thường gặp, trung bình cứ 5 người thì có 1 người bị chàm vào một thời điểm nào đó trong đời. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh chàm và có nhiều thể bệnh chàm khác nhau. Chàm có thể biểu hiện cấp tính, mạn tính hoặc cả hai.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Chàm?
Các nguyên nhân thường gặp gây bệnh chàm là:
-
Yếu tố di truyền: nếu trong gia đình có người mắc chàm sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ở thế hệ sau.
-
Bệnh lý: những bệnh nhân xơ gan, viêm tai, viêm thận, suyễn,… là các đối tượng dễ mắc bệnh hơn so với người bình thường.
-
Yếu tố dị nguyên: một số yếu tố vật lý, hóa học sinh học như môi trường ô nhiễm, dị ứng với quần áo, phấn sáp, dép cao su, thay đổi thời tiết đột ngột, dị ứng thuốc, thực phẩm gây kích ứng,…
-
Sức đề kháng yếu: nhiều trường hợp mắc bệnh chàm vì suy giảm sức đề kháng khiến cơ thể không chống lại được các tác nhân kích ứng từ bên ngoài.
Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Chàm là gì?
-
Giai đoạn cấp tính: bệnh nhân chàm thấy vùng da bị chàm ửng đỏ, ngứa ngáy và rất khó chịu. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, ban đầu mụn nước có kích thước nhỏ, sau đó to dần lên và lan sang các phần da xung quanh. Mụn nước mọc theo đợt và mọc thành từng mảng dày.
-
Giai đoạn bán cấp: bệnh nhân chàm gãi hoặc bị va đập khiến các mụn nước bị vỡ. Chất dịch từ mụn chảy ra và đọng lại tạo thành lớp vảy khô, bong ra để lại lớp da rất nhẵn. Lớp da mới tái tạo có sắc tố da đậm hơn và dày hơn ban đầu.
-
Giai đoạn mãn tính: bệnh diễn ra trong thời gian dài hơn 6 tuần, nếu không được điều trị dứt điểm sẽ trở thành dạng mạn tính. Bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến thẩm mỹ và sức khỏe của người bệnh.
Bệnh nhân chàm khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Chàm bằng cách nào?
Các bác sĩ da liễu có thể chẩn đoán bệnh chàm bằng cách khám da và tìm hiểu bệnh sử. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân làm một số xét nghiệm dị ứng để tìm ra tác nhân gây bệnh hoặc dị nguyên gây kích ứng.
Biện pháp trị Chàm và phác đồ điều trị Bệnh Chàm là gì?
Điều trị bệnh chàm cần thời gian lâu dài. Một số phương pháp gồm:
-
Tránh tắm thường xuyên, khi tắm sử dụng nước ấm, tránh nước nóng. Sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ, có thể gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn.
-
Quần áo: mặc quần áo có chất liệu mềm, mỏng, thoáng, tránh các loại vải sợi thô ráp.
-
Các chất kích ứng: tránh tiếp xúc nhiều với nước, bụi bặm, chất tẩy rửa và tránh các tổn thương da.
-
Dưỡng ẩm: bôi dưỡng ẩm thường xuyên nhất là khi ngứa và sau khi tắm, tránh các sản phẩm dưỡng ẩm có mùi thơm nếu có thể;
-
Thuốc steroid bôi da: thoa steroid dạng mỡ hay kem vào vùng da ngứa, đỏ trong thời gian khoảng 1-2 tuần, nên sử dụng theo hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ da liễu. Chắc chắn rằng bạn biết rõ về vị trí, thời điểm bôi và nên bôi trong thời gian bao lâu. Có thể bôi steroid vào vùng da đỏ ngứa 1-2 lần/ngày. Ở những vùng da khác nhau, mức độ nặng khác nhau, loại steroid được bác sĩ kê đơn có thể khác nhau. Không nên lạm dụng steroids bôi da vì thuốc có thể gây ra tác dụng không mong muốn như giãn mạch, teo da, thay đổi sắc tố da.
-
Kem Pimecrolimus, Tacrolimus: các loại thuốc bôi da kháng viêm hữu ích trong việc điều trị chàm với ít tác dụng không mong muốn hơn steroids bôi da.
-
Kháng sinh: sử dụng một số loại kháng sinh đường uống hoặc bôi nếu bệnh nhân có biến chứng nhiễm trùng hoặc tình trạng viêm da do nhiễm trùng.
-
Kháng histamin:giúp giảm ngứa, làm giảm kích ứng, đặc biệt hữu ích khi sử dụng vào buổi tối.
-
Một số phương pháp điều trị khác gồm: Steroid đường uống, azathioprine, cyclosporine, methotrexate, mycophenolate, liệu pháp ánh sáng. Những liệu pháp này cần được chỉ định và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa nhằm đảm bảo hiệu quả kiểm soát bệnh và an toàn cho bệnh nhân.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.