Biện pháp trị Nhược cơ và phác đồ điều trị Bệnh Nhược cơ là gì?
1. Thuốc kháng cholinesterase
Gồm các thuốc prostigmin, neostigmin, mestinon
-
Thuốc dạng tiêm: thường dùng trong cấp cứu cơn nhược cơ do có tác dụng nhanh. Trước khi tiêm prostigmin, nên phối hợp với atropin tiêm bắp để dự phòng tác dụng tăng tiết của prostigmin. Hoặc dùng thuốc ngay trước bữa ăn để tạo điều kiện cho người bệnh có thể ăn uống. Prostigmin ống 0,5ng, tiêm bắp 2-5 ống/ngày.
-
Thuốc dạng uống: có tác dụng chậm, kéo dài do đó thường được dùng để dự phòng trước các cơn nhược cơ hoặc khi muốn kéo dài tác dụng của thuốc. Mestinon viên 60mg, dùng 4–8 viên/ngày chia 3–4 lần. Neostigmin uống liều 15mg/lần, cách 3-4 giờ uống một lần, tổng liều không vượt quá 375mg/ngày.
-
Chú ý: dùng quá liều các thuốc kháng cholinesterase có thể gây ra cơn cường cholin với triệu chứng rất giống với nhược cơ, có thể gây nhầm lẫn.
2. Các thuốc ức chế miễn dịch
-
Trong bệnh nhược cơ, ác thuốc này có tác dụng ức chế phản ứng miễn dịch tạo ra các tự kháng thể.
-
Corticoid (dexamethason, prednisolon,…) là thuốc điều trị cơ bản của bệnh nhược cơ ở cả giai đoạn điều trị duy trì và giai đoạn có cơn nhược cơ nặng cấp tính. Sử dụng prednisolon đường uống liều 1-2mg/kg cân nặng/ngày.
Corticoid là thuốc điều trị cơ bản của bệnh nhược cơ
-
Các thuốc ức chế miễn dịch (azathioprin, cyclosporin,...) thường được sử dụng phối hợp với corticoid. Azathioprin đường uống liều khởi đầu 1mg/kg cân nặng/ngày, có thể tăng dần liều theo đáp ứng của bệnh nhân, liều duy trì thường là 2-3mg/kg cân nặng/ngày. Cyclosporin đường uống liều 4-10mg/kg cân nặng/ngày, chia uống 2–3 lần/ngày. Trong khi dùng các thuốc ức chế miễn dịch, cần theo dõi thường xuyên công thức máu của bệnh nhân, đặc biệt là số lượng bạch cầu.
3. Lọc huyết tương
Lọc huyết tương có tác dụng loại bỏ các tự kháng thể và các thành phần bổ thể trong huyết tương của bệnh nhân. Tiến hành lấy máu của bệnh nhân, chỉ giữ lại các thành phần hữu hình của máu, lọc bỏ các thành phần huyết tương và sau đó truyền trở lại cho bệnh nhân.
4. Điều trị ngoại khoa
-
Chỉ định mổ cắt bỏ tuyến ức dựa vào: tuổi của bệnh nhân, mức độ nặng của bệnh, các bệnh đi kèm. Nếu bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân bị nhược cơ toàn thân thì nên chỉ định mổ sớm.
Điều trị ngoại khoa: mổ cắt bỏ tuyến ức
-
Các phương pháp mổ cắt bỏ tuyến ức: phẫu thuật nội soi, mổ cắt bỏ tuyến ức qua đường cổ, qua đường mở ngực.
-
Biến chứng sau mổ: tràn khi tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, chảy máu, viêm xương ức, viêm mủ trung thất, nhược cơ tái phát.
5. Một số lưu ý trong điều trị
-
Đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân có rối loạn về nuốt,
-
Điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể, đặc biệt là các bệnh nhân dùng corticoid kéo dài. Vì tình trạng nhiễm khuẩn làm nặng thêm các triệu chứng nhược cơ.
-
Không dùng các thuốc có thể gây ức chế quá trình dẫn truyền thần kinh cơ như thuốc nhóm benzodiazepin, các thuốc giãn cơ, một số thuốc chống loạn nhịp (propranolol, quinidin,...), một số thuốc kháng sinh (gentamicin, lincomycin. neomycin, streptomycin,..).
-
Hướng dẫn bệnh nhân tập thở, tích cực ho khạc đờm để tránh ứ đọng dẫn tới nhiễm trùng đường hô hấp.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.