Bệnh Lý » Bệnh » Bệnh Cơ-Xương-Khớp » Nhược cơ

Nhược cơ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng-điều trị

Nhược cơ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng (dấu hiệu nhận biết-biểu hiện), xét nghiệm-chẩn đoán và biện pháp phác đồ điều trị khi bị Nhược cơ. Phân loại Bệnh Nhược cơ có mấy loại? Ngoài ra, các thông tin khác bổ sung về Bệnh Nhược cơ bao gồm: Cách phòng ngừa, các giai đoạn Bệnh Nhược cơ, những biến chứng thường gặp và đối tượng nguy cơ mắc Bệnh Nhược cơ. Và những điều cần biết khác về Nhược cơ. Tìm hiểu xem Bệnh Nhược cơ có nguy hiểm không? Nhược cơ có lây không? Nhược cơ có di truyền không?

Nhược cơ

Nhược cơ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, xét nghiệm và chẩn đoán. Biện pháp điều trị Nhược cơ

Nhược cơ là bệnh gì?

Bệnh nhược cơ là một bệnh thần kinh trong đó các tự kháng thể gây tổn thương các thụ thể acetylcholin ở màng sau synap dẫn đến rối loạn quá trình dẫn truyền qua synap thần kinh cơ. Triệu chứng nổi bật của bệnh là các cơ văn yếu, hoạt động chống mỏi. Đa số các bệnh nhân nhược cơ đều có tuyến ức tăng sản với các trung tâm mầm hoạt động mạnh và các u tuyến ức. 

Nhược cơ là bệnh gì?

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Nhược cơ là gì?

  • Đặc điểm nổi bật là triệu chứng nhược cơ thay đổi trong ngày: chiều nặng hơn sáng, nặng lên khi vận động nhiều và đỡ khi nghỉ ngơi.

  • Sụp mi: là triệu chứng khởi đầu ở khoảng 65% bệnh nhân, có thể là triệu chứng duy nhất. Nguyên nhân gây sụp mi là do bị nhược các cơ nâng mi. Thường sụp mi cả hai mắt, nhưng không đều nhau. Xuất hiện các nếp nhăn ở trán vì người bệnh thường cố mở mắt và nhìn lên bằng các cơ trán. Thường kèm theo triệu chứng nhìn đôi do tổn thương các cơ vận nhãn. Dấu hiệu sụp mi và nhìn đôi càng nặng hơn khi về chiều.

Nhược cơ Triệu chứng

Hình ảnh sụp mi

  • Yếu cơ chân và tay: có thể không tự nhấc tay, chân lên được, làm việc chóng mỏi. Bệnh nhân càng vận động nhiều thì càng nhược cơ nặng, triệu chứng sẽ đỡ hơn khi nghỉ ngơi.

  • Nhược cơ vùng hầu - thanh quản: bị nhược các cơ vận động phát âm khiến bệnh nhân phát âm khó. Nếu nói liên tục thì bệnh nhân bị líu lưỡi, nói ngọng và không nói được nữa. Bệnh nhân nhai chóng mỏi, nếu nặng hàm dưới có thể trễ xuống và không nhai được do bị nhược nặng các cơ nhai. Bệnh nhân khó nuốt, nuốt thường bị sặc, do đó không ăn uống được.

  • Các cơn khó thở: nguyên nhân do nhược các cơ hô hấp. Cơn khó thở có thể diễn biến rất nhanh khiến bệnh nhân bị suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

  • Test prostigmin hoặc Tensilon: tiêm tĩnh mạch 2mg Tensilon, theo dõi trong vòng 45 giây, nếu bệnh nhân không có đáp ứng thì tiêm thêm 3mg. Tiếp tục theo dõi 45 giây, nếu không đáp ứng thì tiêm nốt 5mg (tổng liều 10mg cho người lớn hoặc 0,2mg/kg cân nặng cho trẻ em). Test dương tính khi các triệu chứng nhược cơ giảm rõ rệt (thường xuất hiện trong 30- 60 giây) và kéo dài từ 2-20 phút. Nếu không có Tensilon, có thể dùng prostigmin, tiêm bắp liều 0,04mg/kg cân nặng. Tác dụng xuất hiện sau 5-15 phút, đạt tối đa trong 1-2 giờ.

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Nhược cơ bằng cách nào?

1. Xét nghiệm

  • Ghi điện cơ: trong bệnh nhược cơ thấy khi kích thích dây thần kinh lặp đi lặp lại, điện thể hoạt động của cơ đáp ứng giảm dần.

  • X quang: ở các bệnh nhân bị nhược cơ do u tuyến ức, có thể thấy trung thất trước rộng ra. 

  • Chụp CT scan, chụp MRI: giúp xác định các biến đổi về hình thái của tuyến ức.

  • Xét nghiệm tìm các tự kháng thể kháng acetylcholin trong máu: rất có giá trị trong chẩn đoán và theo dõi cũng như tiên lượng bệnh.

2. Chẩn đoán xác định

Dựa vào các yếu tố sau, bắt buộc phải có yếu tố 1 và 2:

  • Biểu hiện nhược các nhóm cơ khác nhau, mức độ thay đổi trong ngày, giảm đi khi nghỉ ngơi và tăng lên khi vận động.

  • Test prostigmin hoặc Tension dương tính.

  • Ghi điện cơ: khi kích thích dây thần kinh lặp đi lặp lại, điện thế hoạt động của cơ đáp ứng giảm dần.

  • Xét nghiệm tìm được các tự kháng thể kháng acetylcholin trong máu.

3. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt nhược cơ với:

  • Các bệnh có sụp mi mắt như: tai biến mạch máu não, tổn thương dây thần kinh số III, sụp mi bẩm sinh, u não... Sụp mi trong các bệnh này có đặc điểm: không thay đổi trong ngày, test Tensilon hoặc prostigmin cho kết quả âm tính.

  • Các bệnh có tổn thương thần kinh cơ như: loạn dưỡng cơ, viêm đa dây thần kinh,... Trong các trường hợp này, test Tensilon hoặc prostigmin cho kết quả âm tính.

  • Nhược cơ do dùng các thuốc gây nhược cơ: aminoglycosid liều cao, penicillamine, procainamid. Khi ngừng dùng thuốc, triệu chứng nhược cơ sẽ hết sau vài tuần.

  • Nhược cơ trong bệnh Basedow: là tổn thương cơ do nhiễm độc giáp. Khi tình trạng nhiễm độc giáp giảm, triệu chứng nhược cơ giảm. Test Tensilon hoặc prostigmin âm tính.

  • Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Clostridium botulinum: nhược cơ bắt đầu từ các cơ vùng hầu họng rồi lan ra toàn thân, thường xuất hiện trong vòng 18 giờ sau khi ăn. Ghi điện cơ thấy khi kích thích dây thần kinh lặp đi lặp lại, điện thể cơ hoạt động tăng dần.

Xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Nhược cơ bằng cách nào?

Biện pháp trị Nhược cơ và phác đồ điều trị Bệnh Nhược cơ là gì?

1. Thuốc kháng cholinesterase

Gồm các thuốc prostigmin, neostigmin, mestinon 

  • Thuốc dạng tiêm: thường dùng trong cấp cứu cơn nhược cơ do có tác dụng nhanh. Trước khi tiêm prostigmin, nên phối hợp với atropin tiêm bắp để dự phòng tác dụng tăng tiết của prostigmin. Hoặc dùng thuốc ngay trước bữa ăn để tạo điều kiện cho người bệnh có thể ăn uống. Prostigmin ống 0,5ng, tiêm bắp 2-5 ống/ngày.

  • Thuốc dạng uống: có tác dụng chậm, kéo dài do đó thường được dùng để dự phòng trước các cơn nhược cơ hoặc khi muốn kéo dài tác dụng của thuốc. Mestinon viên 60mg, dùng 4–8 viên/ngày chia 3–4 lần. Neostigmin uống liều 15mg/lần, cách 3-4 giờ uống một lần, tổng liều không vượt quá 375mg/ngày.

  • Chú ý: dùng quá liều các thuốc kháng cholinesterase có thể gây ra cơn cường cholin với triệu chứng rất giống với nhược cơ, có thể gây nhầm lẫn.

2. Các thuốc ức chế miễn dịch

  • Trong bệnh nhược cơ, ác thuốc này có tác dụng ức chế phản ứng miễn dịch tạo ra các tự kháng thể.

  • Corticoid (dexamethason, prednisolon,…) là thuốc điều trị cơ bản của bệnh nhược cơ ở cả giai đoạn điều trị duy trì và giai đoạn có cơn nhược cơ nặng cấp tính. Sử dụng prednisolon đường uống liều 1-2mg/kg cân nặng/ngày.

Nhược cơ Cách điều trị

Corticoid là thuốc điều trị cơ bản của bệnh nhược cơ

  • Các thuốc ức chế miễn dịch (azathioprin, cyclosporin,...) thường được sử dụng phối hợp với corticoid. Azathioprin đường uống liều khởi đầu 1mg/kg cân nặng/ngày, có thể tăng dần liều theo đáp ứng của bệnh nhân, liều duy trì thường là 2-3mg/kg cân nặng/ngày. Cyclosporin đường uống liều 4-10mg/kg cân nặng/ngày, chia uống 2–3 lần/ngày. Trong khi dùng các thuốc ức chế miễn dịch, cần theo dõi thường xuyên công thức máu của bệnh nhân, đặc biệt là số lượng bạch cầu.

3. Lọc huyết tương

Lọc huyết tương có tác dụng loại bỏ các tự kháng thể và các thành phần bổ thể trong huyết tương của bệnh nhân. Tiến hành lấy máu của bệnh nhân, chỉ giữ lại các thành phần hữu hình của máu, lọc bỏ các thành phần huyết tương và sau đó truyền trở lại cho bệnh nhân.

4. Điều trị ngoại khoa

  • Chỉ định mổ cắt bỏ tuyến ức dựa vào: tuổi của bệnh nhân, mức độ nặng của bệnh, các bệnh đi kèm. Nếu bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân bị nhược cơ toàn thân thì nên chỉ định mổ sớm. 

Nhược cơ Cách điều trị

Điều trị ngoại khoa: mổ cắt bỏ tuyến ức

  • Các phương pháp mổ cắt bỏ tuyến ức: phẫu thuật nội soi, mổ cắt bỏ tuyến ức qua đường cổ, qua đường mở ngực.

  • Biến chứng sau mổ: tràn khi tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, chảy máu, viêm xương ức, viêm mủ trung thất, nhược cơ tái phát.

5. Một số lưu ý trong điều trị

  • Đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân có rối loạn về nuốt,

  • Điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể, đặc biệt là các bệnh nhân dùng corticoid kéo dài. Vì tình trạng nhiễm khuẩn làm nặng thêm các triệu chứng nhược cơ.

  • Không dùng các thuốc có thể gây ức chế quá trình dẫn truyền thần kinh cơ như thuốc nhóm benzodiazepin, các thuốc giãn cơ, một số thuốc chống loạn nhịp (propranolol, quinidin,...), một số thuốc kháng sinh (gentamicin, lincomycin. neomycin, streptomycin,..).

  • Hướng dẫn bệnh nhân tập thở, tích cực ho khạc đờm để tránh ứ đọng dẫn tới nhiễm trùng đường hô hấp.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.

Cập nhật: 11/03/2024 14:04