
Loãng xương là bệnh gì?
Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hoá của xương dẫn đến tổn thương độ chắc của xương từ đó làm tăng nguy cơ gãy xương. Các chấn thương phổ biến nhất ở những người bị loãng xương là gãy xương đùi, xương cẳng tay và xương cột sống.
Loãng xương làm mật độ xương giảm dần theo thời gian
Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng, nó khiến nhiều người chủ quan khó phát hiện ra sớm được bệnh. Nó tiến triển chậm trong vài năm khiến xương yếu đi, cấu trúc xương bị tổn thương khiến xương giòn, dễ gãy và cuối cùng là gãy xương. Thường chỉ được chẩn đoán loãng xương khi bị ngã hoặc va chạm đột ngột khiến xương bị gãy.
Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng khi tuổi cao – do ở tuổi này mật độ xương không còn đảm bảo đủ mức cho phép để xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành.

Nguyên nhân nào gây Bệnh Loãng xương?
Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng loãng xương. Khi tuổi cao cùng với sự lão hóa, quá trình tạo xương giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra nhanh, mạnh khiến xương giòn, yếu, giảm sức chịu lực và dễ gãy hơn.
Giới tính cũng là một trong những nguyên nhân không thể thay đổi gây nên loãng xương. làm tăng nguy cơ mắc loãng xương. Theo nhiều nghiên cứu và đánh giá cho thấy, phụ nữ có nguy cơ cao hơn mắc loãng xương so với nam giới. Phụ nữ có kinh nguyệt không đều hay bước vào giai đoạn tiền mãn kinh đều gây giảm nồng độ estrogen, thường có nguy cơ cao mắc bệnh. Hay ở nam giới nồng độ testosteron thấp cũng là nguyên nhân gây loãng xương.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân sau đây cũng gây ra loãng xương như:
-
Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu chất dinh dưỡng đặc biệt là các chất tốt cho xương như vitamin D, canxi…
-
Sử dụng rượu, bia, thuốc lá… thường xuyên
-
Không luyện tập thể dục thường xuyên, vận động ít, lối sống sinh hoạt chưa hợp lý…
-
Làm việc nặng, vất vả, thường xuyên phải mang vác các vật nặng

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng Bệnh Loãng xương là gì?
Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng và chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Một số triệu chứng của loãng xương là:
-
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của loãng xương là các cơn đau xương: đau nhức dọc các xương dài hoặc các đầu xương
-
Cột sống có thể bị biến dạng biểu hiện bằng các cơn đau lưng cấp tính, lâu ngày thành các cơn đau lưng mạn tính. Ngoài ra còn làm vẹo cột sống, gù, giảm chiều cao
Gù lưng là biến chứng của loãng xương
-
Gãy xương: thường gặp là gãy đầu dưới xương quay, gãy các đốt sống, gãy cổ xương đùi (lưng và thắt lưng)
Gãy cổ xương đùi do loãng xương

Biện pháp trị Loãng xương và phác đồ điều trị Bệnh Loãng xương là gì?
Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh mà đưa ra lựa chọn điều trị cho phù hợp. Sau đây là một vài phương pháp điều trị bệnh loãng xương
1. Phương pháp điều trị không dùng thuốc (thay đổi lối sống và chế độ ăn uống)
-
Thay đổi/Điều chỉnh lại chế độ ăn uống: Ăn uống lành mạnh, bổ sung nguồn dinh dưỡng giàu calci (theo nhu cầu của cơ thể : từ 1.000-1.500 mg hàng ngày từ thức ăn hay thực phẩm, dược phẩm). Luôn đảm bảo cho người bệnh đủ lượng canxi, khoáng chất và vitamin. Hạn chế các yếu tố nguy cơ liên quan đến rượu, thuốc lá, … chú ý đến cân nặng: tránh thừa cân hoặc thiếu cân
-
Chế độ sinh hoạt: Tăng cường vận động, tăng dẻo dai cơ bắp, tránh té ngã…
Tập thể dục buổi sáng giúp tăng cường hấp thu vitamin D
Giảm sự tỳ đè lên cột sống, xương vùng hông hay đầu xương bằng cách sử dụng các dụng cụ, nẹp chỉnh hình cho cột sống và cho khớp háng.
2. Phương pháp dùng thuốc
Nếu bổ sung thông qua chế độ ăn không đủ thì sử dụng các thuốc sau (dùng đều đặn hàng ngày trong suốt quá trình điều trị).
-
Cung cấp lượng canxi và Vitamin D theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Cần bổ sung canxi từ 500 – 1 500mg/ ngày. Vitamin D từ 800 – 1 000 UI/ngày (hoặc chất chuyển hoá của vitamin D là Calcitriol 0,25 – 0,5 mcg).
-
Nhóm Bisphosphonat: Là nhóm thuốc được lựa chọn đầu tiên trong điều trị các bệnh lý loãng xương (phụ nữ sau mãn kinh, nam giới, người già, hay loãng xương do corticosteroid). Bisphosphonat làm chậm tốc độ xương bị phân hủy trong cơ thể bạn giúp duy trì mật độ xương và làm giảm nguy cơ gãy xương.
Strontium ranelat: là thuốc có tác động kép - vừa có tác dụng ức chế hủy xương vừa có tác dụng tăng tạo xương, phù hợp hoạt động sinh lý của xương.

Biện pháp phòng ngừa Bệnh Loãng xương như thế nào?
Loãng xương là bệnh có thể phòng ngừa. Một số lưu ý để phòng ngừa bệnh loãng xương như sau:
-
Cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D, khoáng chất và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hàng ngày với tổng lượng tùy theo nhu cầu của từng độ tuổi và tình trạng cơ thể.
-
Duy trì chế độ vận động thường xuyên tăng sự khéo léo, sức mạnh cơ, giúp dự trữ calci cho xương. Tập thể dục là chế độ luyện tập quan trọng được khuyến cáo trong quá trình điều trị loãng xương: thực hiện các bài tập nhẹ như đi bộ, chạy ngắn,.. 30 phút mỗi ngày. Lưu ý tránh vận động mạnh quá mức trong quá trình tập vì có thể dẫn đến xương.
-
Tránh để bị ngã
-
Không hút thuốc, tránh sử dụng các chất kích thích thường xuyên: uống nhiều rượu, bia …
-
Bisphosphonat có thể được chỉ định để phòng ngừa loãng xương khi bệnh nhân có nguy cơ loãng xương (BMD từ -1,5 đến - 2,4 SD), nhưng lại có nhiều yếu tố nguy cơ: phải sử dụng corticosteroid để điều trị bệnh nền, tiền sử gia đình có gãy xương do loãng xương, nguy cơ té ngã cao…

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ chuyên môn, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.